Người đứng đầu "bảng tổng sắp' hơn người đứng cuối bảng 297 phiếu tín nhiệm cao.
Đó là đánh giá của 475 đại biểu với 48 chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, vừa được công bố chiều 25/10.
Ba lần lấy phiếu đều ở ngôi "quán quân", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lần này được 437 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 90,1% tổng số đại biểu Quốc hội), cũng là người duy nhất có số phiếu tín nhiệm cao vượt hơn 400.
Chủ tịch Quốc hội cũng đã tự "phá kỷ lục" của chính mình, khi lần gần nhất lấy tín nhiệm ở Quốc hội khoá 13 bà được 390 vị "chấm" mức tín nhiệm cao.
Trong khi đó Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ chỉ được có 140 phiếu tín nhiệm cao (28,25%). Về con số tuyệt đối thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kém Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân 297 phiếu tín nhiệm cao.
Nếu nhìn cả quá trình thì con số "lệch" này cũng không khó giải thích.
Hai lần lấy phiếu trước, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đều ở vị trí số 1 "bảng tổng sắp". Còn vị "tư lệnh" ngành giáo dục nhiệm kỳ trước đều ở tốp dưới cùng. Đã thế, trước thềm kỳ họp này của Quốc hội, những vấn đề bức xúc liên quan đến giáo dục trở nên nóng rực với tiêu cực từ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và chuyện lãng phí sách giáo khoa cả ngàn tỷ...
Cũng không bất ngờ, là con số "lệch" của mức tín nhiệm cao giữa khối Quốc hội và khối Chính phủ.
Một nửa thành viên Chính phủ (13 người) nhận được tín nhiệm cao của dưới 50% đại biểu Quốc hội, trong khi đó khối Quốc hội chỉ duy nhất một vị Chủ nhiệm uỷ ban Về các vấn đề xã hội rơi vào mức này (210 phiếu, chiếm 43,3% tổng số đại biểu Quốc hội).
Kết quả này cũng tương tự như hai lần trước, mà theo một số phân tích thì dù sao làm ở Quốc hội cũng ít "va chạm" hơn và hiệu quả công việc cũng khó cân đong đo đếm hơn.
Nhưng, trong "lệch" cũng có một điều hơi lạ. Đó là năm nay cả 12/12 chỉ tiêu được đánh giá là đạt và vượt kế hoạch, trong đó có GDP nhưng một số vị bộ trưởng khối kinh tế không nhận được nhiều phiếu tín nhiệm cao.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ được 169 phiếu tín nhiệm cao, 97 tín nhiệm thấp.
Thấp hơn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà được 159 vị "chấm điểm" cao, 89 vị "cho điểm" thấp.
Chỉ được 197 phiếu tín nhiệm cao là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. 69 vị cho rằng ông Hà chỉ được tín nhiệm ở mức thấp.
Thấp, nhưng nếu so với lần trước, khi có đến 4 thành viên Chính phủ có phiếu tín nhiệm cao dưới 100, trong đó có cả thành viên nữ duy nhất: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì kết quả chung có thể coi là đã nhích lên.
Khi đó bà Tiến cũng là người dẫn đầu về số phiếu tín nhiệm thấp với 192 phiếu. Lần này, nữ thành viên Chính phủ đã dành được 224 phiếu tín nhiệm cao, 252 tín nhiệm và 72 tín nhiệm thấp. Như thế, số phiếu tín nhiệm thấp đã giảm được đến 120 phiếu.
Đáng chú ý là kỳ này, những lá phiếu dành cho khối Chính phủ ghi nhận lần đầu tiên chức danh Thủ tướng được nhiều phiếu tín nhiệm cao nhất, với số phiếu chỉ sau người "vô địch": 393 phiếu.
Còn so với chính mình, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng có thêm 37 phiếu tín nhiệm cao và giảm được 12 phiếu tín nhiệm thấp.
Tóm lại, dù chênh nhau khá lớn, thì cũng chưa có vị nào rơi vào "vòng nguy hiểm" (có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp). Và theo quy định thì Quốc hội chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần mỗi nhiệm kỳ, nên các vị được lấy phiếu dù có cảm thấy "thiệt thòi" hay không ít nhiều đều đã có thể "thở phào".
Trao đổi nhanh về hoạt động lấy phiếu, một số vị đại biểu đánh giá kết quả đó đã thể hiện sự khách quan, công tâm của Quốc hội.
Khối lập pháp cũng có cá nhân xuất sắc, dấu ấn cá nhân Thủ tướng nhiệt huyết và trách nhiệm, đại biểu Vũ Trọng Kim nhận xét.
Post a Comment