Một số luật về quyền con người, quyền công dân như Luật về hội, Luật Biểu tình, Nghị quyết của Quốc hội về tham gia gìn giữ hòa bình là những vấn đề mới, phức tạp, chưa có tiền lệ...
Đó là giải thích của Chính phủ trong báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh.
Chính phủ khẳng định, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng thể chế, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.
Tuy nhiên, tính đến tháng 8/2018, còn 21/23 dự án luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ nằm trong danh mục ban hành kèm theo nghị quyết số 718 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 13 về kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp chưa được ban hành.
Trong đó có 17/21 dự án luật, pháp lệnh chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, 2019.
Nguyên nhân khách quan được Chính phủ nêu là có một số dự án luật, pháp lệnh qua đánh giá thấy rằng chưa đủ căn cứ để ban hành luật riêng điều chỉnh hoặc quan hệ xã hội được điều chỉnh chưa thực sự cấp thiết hoặc điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước chưa đáp ứng được yêu cầu của việc tổ chức thực thi luật nên Chính phủ, các cơ quan khác chưa đề xuất hoặc xin lùi thời hạn ban hành luật.
Một số luật về quyền con người, quyền công dân như kể trên là những vấn đề mới, phức tạp, chưa có tiền lệ, bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri về một số nội dung của những dự án luật này còn khác nhau trong quá trình thảo luận cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để bảo đảm phù hợp với nội dung, tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm tính khả thi, phù hợp điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Vì thế nên Chính phủ đã đề nghị Quốc hội lùi để có thời gian chuẩn bị kỹ hơn.
Ngoài ra, một số dự án luật không rõ phạm vi điều chỉnh hoặc đã được quy định trong các luật liên quan. Như, Luật đảm đảm trật tự, an toàn xã hội không xác định được phạm vi điều chỉnh. Luật Chủ tịch nước, vì nội dung liên quan đến thẩm quyền, nhiệm vụ của Chủ tịch nước đã được quy định trong dự án Luật Quốc phòng,…
Một số luật theo giải thích của Chính phủ thì vẫn còn trong thời hạn đến năm 2020: Luật Truy nã tội phạm, Luật Thanh niên, Luật Bình đẳng giới, Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Về hàm, cấp ngoại giao, Luật Phòng, chống tội phạm có tổ chức…
Về chủ quan, nguyên nhân đầu tiên được nêu tại báo cáo là một số dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến, nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo chưa dự tính được hết các tác động nếu được thông qua, chưa thống nhất được các quy định và trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan, phạm vi điều chỉnh chưa được xác định rõ. Vì thế dẫn đến khi Quốc hội thảo luận vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nên phải lùi thời hạn thông qua dự án.
Việc đầu tư thời gian và nguồn lực, kinh phí cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được Chính phủ đánh giá là còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu, tính chất phức tạp của công việc này.
Trong nhiệm vụ thời gian tới, môt số dự án luật được Chính phủ xác định ưu tiên gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Các dự án luật hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cho các nhà đầu tư và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng nằm trong ưu tiên của Chính phủ.
Chính phủ cũng cho biết sẽ tổ chức thi hành kịp thời, hiệu quả các luật, đặc biệt là các luật quy định về quyền con người, quyền công dân đã được Quốc hội ban hành để các quy định của Hiến pháp thực sự phát huy hiệu quả trên thực tế. Như Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Tố cáo....
Post a Comment