Doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng góp vào GDP lớn nhất, thuế cũng nộp nhiều hơn, trong khi doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI được ưu đãi hơn rất nhiều.
Nghịch lý này được Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế, đại biểu Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh trong phiên họp toàn thể của Uỷ ban Kinh tế, ngày 9/10.
Phát triển doanh nghiệp cũng là nội dung được nhiều vị quan tâm trong một ngày thảo luận về các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội và tái cơ cấu nền kinh tế.
Nhận định tại báo cáo của Chính phủ khá lạc quan: tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc, ước đạt khoảng 130 nghìn danh nghiệp, tăng 2,5%. Trong đó, 9 tháng đầu năm có 96.611 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 2,8% (cùng kỳ tăng 15,3%).
Gợi ý thảo luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhắc đến mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và nêu thực tế việc chuyển đổi hộ kinh doanh sang doanh nghiệp kết quả chưa được bao nhiêu, vậy khó khăn là gì?
Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế, đại biểu Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) cũng đặt vấn đề Chính phủ cần quan tâm thế nào khi doanh nghiệp nhỏ ngày càng trở nên yếu thế.
Theo quan điểm của Phó trưởng ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương thì cần xem xét được tính thực chất của muc tiêu thành lập doanh nghiệp. Khi mà doanh nghiệp nhỏ không thể cạnh tranh được, không xin được dự án công trình, bởi "doanh nghiệp lớn toàn có quan chức chống lưng, hầu như thâu tóm hết thị trường".
Nhận xét của đại biểu Trần Văn Tiến, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc là thành lập doanh nghiệp mới có xu hướng chững lại, tăng có 2,8% trong khi đang cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Nguyên nhân là gì, doanh nghiệp không mặn mà hay đã quá ngưỡng, tốc độ tăng đang từ trên 15% của cùng kỳ 2017 xuống 2,8% năm 2018 thì liệu đến 2019 có tăng được không?, ông Tiến băn khoăn.
Và, băn khoăn hơn nữa của vị đại biểu này là ông không thể tìm được câu trả lời từ báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư vì báo cáo này cứ chung chung, bay bay, số liệu không đầy đủ nên không phân tích, so sánh được.
Cũng quan tâm đến các con số về doanh nghiệp, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh chưa có năm nào mà số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động lớn như 2018.
Lấy số thành lập mới trừ đi số dừng hoạt động thì thực chất chỉ còn có 23 ngàn doanh nghiệp, vậy nguyên nhân là gì, theo ông Kiên cần phải làm rõ.
Thực tế được ông Kiên nêu ngay sau đó có lẽ cũng là một phần câu trả lời cho câu hỏi trên. Đó là, Quốc hội làm luật một đằng nhưng Chính phủ lại làm nghị định một nẻo.
Điển hình như Luật Dược, có hiệu lực một năm mới ban hành nghị định nhưng lại tự quy định thêm rất nhiều nội dung giao quyền cho Chính phủ và Bộ Y tế, trong khi luật không quy định. Khi vấn đề được phát hiện thì Bộ lại làm văn bản giải trình là không quản lý được, mà luật cũng do Bộ chủ trì soạn thảo.
Nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc nuôi dưỡng nguồn thu từ doanh nghiệp ngoài nhà nước, đại biểu Đỗ Văn Sinh phân tích, hiện nay tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước là 1,3 triệu tỷ nhưng chỉ đóng góp 11,8% tổng thu ngân sách. Trong khi đó khu vực ngoài quốc doanh đóng góp ngân sách cao hơn rất nhiều với 15,6%, còn khu vực FDI chiếm 13,9%.
Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng góp hơn 41,57% GDP, thuế cao hơn, trong khi doanh nghiệp nhà nước được ưu tiên rất nhiều, vốn nhiều, lợi thế nhiều, đóng góp thấp hơn. FDI cũng thế, ưu đãi rất nhiều, đóng góp cũng thấp hơn.
"Chính sách có rồi, nhưng triển khai có vấn đề, thực chất Chính phủ đã làm gì để thực sự phát triển doanh nghiệp trong nước. Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân vì sao doanh nghiệp trong nước không phát triển được, thời gian qua Chính phủ đã có hành động gì, đã hỗ trợ doanh nghiệp trong nước những gì và được bao nhiêu để mang lại sức sống cho họ", ông Sinh phát biểu.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho rằng cũng cần phải xem có phải có sự e ngại khi chuyển sang doanh nghiệp thì hoạt động phải công khai minh bạch hơn, chứ nhà nước có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp và những ưu đãi đó đang được thực hiện.
Post a Comment