Đề án thí điểm thực hiện chế độ thực tập, tập sự lãnh đạo quản lý đã được xây dựng, Bộ Nội vụ cho biết tại báo cáo gửi đến Quốc hội, thực hiện nghị quyết 113 của Quốc hội khoá 13 về hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn.

Phải có 3 năm hoàn thành tốt nhiệm vụ 

Nằm trong lĩnh vực công chức, công vụ, về chế độ thực tập, tập sự lãnh đạo quản lý, Bộ Nội vụ cho biết đã xây dựng đề án thí điểm thực hiện chế độ thực tập, tập sự lãnh đạo quản lý.

Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ cũng đã đồng ý để Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ trình Bộ Chính trị theo hướng làm rõ quyền hạn và mối quan hệ của của người tập sự với lãnh đạo cơ quan, đơn vị nơi thực tập; làm rõ giá trị pháp lý của các quyết định quản lý của tập sự khi được người đứng đầu giao nhiệm vụ tổ chức, điều hành. Các nội dung tập sự cần được xây dựng thành bản mô tả công việc làm căn cứ để xây dựng các tiêu chí đánh giá kết quả tập sự.

 Bổ sung quy trình, thủ tục bổ nhiệm người tập sự, làm rõ về việc đưa ra khỏi quy hoạch đối với người không đạt yêu cầu tập sự, không hoàn thành chế độ tập sự.

Đề án cũng bổ sung làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch - tập sự - thí điểm thi tuyển chọn lãnh đạo để có sự gắn kết giữa các đề án bảo đảm sự thống nhất liên thông.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Bộ Nội vụ đã tiếp thu, hoàn thiện và trình Bộ Chính trị về Đề án này .

Theo đề án, đối tượng thực hiện thí điểm tập sự lãnh đạo, quản lý được thực hiện với các chức danh quản lý, lãnh đạo cấp phó: thứ trưởng và tương đương; phó tổng cục trưởng; phó cục trưởng; phó vụ trưởng và tương đương; phó giám đốc sở và tương đương.

 Tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện tập sự về độ tuổi nam dưới 45 và nữ dưới 40, thuộc diện quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có 3 năm liên tiếp tính đến thời điểm xem xét thực hiện tập sự lãnh đạo quản lý hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Ngoài ra còn có tiêu chuẩn đơn vị có nhu cầu bổ sung chức danh lãnh đạo, quản lý, được người đứng đầu đề nghị, cấp ủy thống nhất thông qua.

Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến chỉ đạo và Bộ Nội vụ đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề án để trình lại Bộ Chính trị trong thời gian tới, Bộ trưởng Tân cho hay.

Thiếu chế tài xử lý vi phạm trong công tác cán bộ

Triển khai nghị quyết về giám sát chuyên đề và hoạt  động chất vấn của Quốc hội khoá 14, thay mặt Chính phủ, Bộ Nội vụ cũng đã gửi báo cáo đến Quốc hội.

Liên quan đến công tác cán bộ, báo cáo nêu, trong 9 tháng đầu năm 2018, Thanh tra Bộ Nội vụ đã thực hiện 11 cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Như, kiểm tra, rà soát lại việc xử lý kỷ luật đối với ông Huỳnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu; một số việc tiêu cực xảy ra tại Cục Hải quan thành phố Hải Phòng...

Qua thanh tra, đã kiến nghị  thu hồi, hủy bỏ quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm đối với các trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm không đúng quy định. Miễn nhiệm, không bổ nhiệm lại một số công chức giữ chức vụ lãnh đạo không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, sắp xếp số lượng cấp phó phù hợp…

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng nhấn mạnh là mặc dù phát hiện có nhiều tồn tại, hạn chế, sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, song các bộ, ngành, địa phương chưa vào cuộc quyết liệt và có những biện pháp đủ mạnh để xử lý vi phạm mà chủ yếu là đề nghị đối tượng thanh tra, kiểm tra kiểm điểm, rút kinh nghiệm và cho đối tượng thời gian nhất định để tự khắc phục.

Nguyên nhân do vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác thanh tra, kiểm tra về công tác tổ chức, cán bộ. Công tác này chủ yếu được giao cho cơ quan tham mưu về công tác tổ chức cán bộ (vụ tổ chức cán bộ, sở nội vụ…) Tuy nhiên, số lượng công chức, viên chức tại các đơn vị này chưa đủ định biên theo quy định, trong khi đó khối lượng công việc lại nhiều nên khó bố trí đủ lực lượng để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Bên cạnh đó, hiện nay chưa có chế tài để xử lý các vi phạm trong công tác tổ chức cán bộ. Việc thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính về thu hồi, hủy bỏ các quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm không đúng quy định gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện vì thiếu cơ sở pháp lý.

Trong công tác tổ chức cán bộ ngoài việc thực hiện theo pháp luật của Nhà nước còn phải thực hiện theo các quy định của Đảng (ví dụ như công tác quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển), song hiện tại, một số quy định của Đảng và pháp luật còn chưa thống nhất, gây khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.... Bộ trưởng báo cáo.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top