Bộ Nội vụ cũng đề xuất bỏ quy định về số lượng cấp phó không quá 5 người sau khi sáp nhập cơ quan thuộc Chính phủ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển của cơ quan có thẩm quyền.
Đây là các quy định được Bộ Nội vụ đề xuất tại dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2016 ngày 1/2/2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ.
Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng áp dụng quy định chuyển tiếp về số lượng cấp phó trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Cụ thể, dự thảo bỏ quy định "trong trường hợp do sáp nhập cơ quan thuộc Chính phủ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển của cơ quan có thẩm quyền, số lượng cấp phó có thể nhiều hơn nhưng không quá 5 người và do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định".
Đồng thời, bổ sung điều khoản chuyển tiếp liên quan đến việc thực hiện các quy định về cấp phó đối với cơ quan thuộc Chính phủ. Theo đó, trong trường hợp sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy mà làm tăng số lượng cấp phó của cơ quan, tổ chức, đơn vị so với quy định tại dự thảo Nghị định này thì trong thời hạn đến năm 2020, cơ quan thuộc Chính phủ phải hoàn thành việc sắp xếp, bố trí để giảm số lượng cấp, bảo đảm phù hợp với quy định tại Nghị định này (tối đa 3 cấp phó).
Các cơ quan chỉ được bổ sung khi số lượng cấp phó thấp hơn quy định tại dự thảo Nghị định này (dưới 3 cấp phó).
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng sửa đổi các quy định liên quan đến số lượng phòng, ban và số lượng cấp phó tối đa của tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan Chính phủ.
Ví như, Bộ Nội vụ đề xuất chỉ thành lập ban (vụ) khi khối lượng công việc cần phải bố trí tối thiểu 15 người làm việc là công chức, viên chức trở lên. Hay, bổ sung quy định về tiêu chí xác định số lượng cấp phó tối đa của tổ chức, đơn vị thuộc các cơ quan của Chính phủ theo hướng mỗi đơn vị chỉ có tối đa 3 cấp phó...
Post a Comment