Mặc dù Chính phủ luôn nói đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh song mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 vẫn khó hoàn thành.
Sáng 15/10, trong phiên họp thứ 28, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe các báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 -2020.
Đánh giá kết quả thực hiện 22 nhóm chỉ tiêu được đặt ra tại nghị quyết 24 của Quốc hội về kế hoạch nói trên trong giai đoạn 2016-2018, Chính phủ cho biết so với các mục tiêu đặt ra tới năm 2020, có 9 chỉ tiêu đã hoàn thành, 8 chỉ tiêu có khả năng hoàn thành và 5 chỉ tiêu cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành.
Như vậy, tới thời điểm hiện nay, có 73% số mục tiêu đã hoàn thành hoặc dự kiến hoàn thành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày.
Liên quan đến nhiệm vụ phát triển khu vực kinh tế tư nhân, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh, giai đoạn 2016 - 2018, chính sách phát triển kinh tế tư nhân tiếp tục được hoàn thiện, thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh bất hợp lý gây cản trở được rà soát, cắt bỏ.
Kết quả giai đoạn 2016-2018, số doanh nghiệp thành lập mới liên tiếp đạt kỷ lục cả về số lượng và số vốn đăng ký, trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có xu hướng giảm qua các năm. Đã xuất hiện các doanh nghiệp tư nhân tiên phong trong đổi mới, sáng tạo và có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2018, khu vực tư nhân trong nước phát triển chậm. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực này năm 2016 là 5,51% và năm 2017 là 6,23% (bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 6,61%). Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và nhỏ, không có sự biến động đáng kể trong giai đoạn 2016-2018.
Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp mới đang có xu hướng chững lại, dự báo cả năm 2018 có khoảng 130.000 doanh nghiệp thành lập, chỉ tăng 2,5% so với năm 2017 và mục tiêu đạt được 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 khó hoàn thành. Doanh nghiệp tư nhân vẫn có xu hướng nhỏ đi về quy mô, tỷ lệ doanh nghiệp làm ăn có lãi vẫn thấp, mức độ kết nối của doanh nghiệp tư nhân vào nền kinh tế toàn cầu còn nhiều hạn chế, Chính phủ nhìn nhận.
Thách thức đầu tiên được nêu tại báo cáo của Chính phủ về quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô cũng liên quan đến doanh nghiệp.
Theo đó, quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng chưa đạt được tiến bộ mạnh mẽ trong lĩnh vực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Môi trường kinh doanh được cải thiện chủ yếu ở lĩnh vực điều kiện gia nhập thị trường. Hệ sinh thái hỗ trợ, nuôi dưỡng doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, chưa có nhiều tiến bộ.
Khu vực doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn yếu thế trong quá trình phân bổ nguồn lực vật chất so với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI. Những bất cập thể chế về đất đai, quyền tài sản bao gồm giao dịch đảm bảo, xử lý tài sản thế chấp, thủ tục phá sản... vẫn chậm được giải quyết. Đây vẫn là những trở ngại lớn cản trở lực lượng sản xuất phát triển, theo nhận định của Chính phủ.
Thẩm tra đánh giá giữa kỳ về tái cơ cấu nền kinh tế, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhận định nhóm mục tiêu về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã khó đạt được đến năm 2020 nếu không có giải pháp đẩy nhanh.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 khó hoàn thành, đặc biệt khi việc phát triển doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn một số khó khăn và số lượng doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản tăng cao trong 9 tháng đầu năm 2018.
Theo Uỷ ban Kinh tế, việc triển khai một số chính sách hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân còn vướng mắc, đặc biệt là thiếu nguồn lực thực hiện và có nhiều rào cản thủ tục với doanh nghiệp để tiếp cận chính sách. Quá trình thực hiện một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn thiếu minh bạch và chưa bảo đảm công bằng. Một số quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, tạo gánh nặng chi phí và cản trở doanh nghiệp phát triển.
Post a Comment