Kiểm toán nhà nước vừa gửi đến Quốc hội báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết số 63 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm thông qua hoạt động kiểm toán năm 2018.
Năm 2018, Kiểm toán nhà nước tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ về công tác phòng, chống tội phạm tại nghị quyết 63, báo cáo nêu rõ.
Theo báo cáo, đến 30/9/2018, toàn ngành đã triển khai 222/232 cuộc kiểm toán, kết thúc 150 cuộc, xét duyệt 140 dự thảo báo cáo, phát hành 85 báo cáo kiểm toán.
Tổng hợp sơ bộ kết quả xử lý tài chính của 140 dự thảo báo cáo kiểm toán cho thấy Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý 56.009 tỷ đồng, trong đó thu về ngân sách nhà nước 8.385 tỷ đồng, giảm chi ngân sách 17.555 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 30.069 tỷ đồng.
Ngoài ra còn kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 41 văn bản (12 thông tư, 6 nghị quyết, 8 quyết định, 15 văn bản khác) nhằm bịt chỗ hổng về cơ chế, về tổ chức thực hiện quy định của nhà nước nhằm tránh thất thoát, lãng phí.
Một số cuộc kiểm toán có kết quả nổi bật được điểm danh tại báo cáo, như: kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2017 của EVN; dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3; dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - Tp.Hồ Chí Minh; chuyên đề việc thực hiện Hợp đồng BT thanh toán bằng quyền sử dụng đất trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2013 - 2017; chuyên đề hoàn thuế giá trị gia tăng; kiểm toán hoạt động chủ đề đầu tư xây dựng, việc thực hiện các mục tiêu xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao Tp.HCM.
Báo cáo cho biết, Kiểm toán nhà nước cũng đã thu thập thông tin để bổ sung kế hoạch kiểm toán năm 2018 nhằm thực hiện kiểm toán Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp và việc sử dụng nguồn thu từ đất của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa giai đoạn 2011-2017, báo cáo Quốc hội kết quả tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5 năm 2019).
Công tác phối hợp với cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền xử lý các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cũng là nội dung đáng chú ý tại báo cáo.
Cụ thể, thông qua kết quả kiểm toán 9 tháng đầu năm 2018, ngoài việc kiến nghị xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai phạm được phát hiện tại các báo cáo kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ 2 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ nhất là vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng trong việc giải quyết cho thông quan 30 xe ô tô từ nước ngoài về Việt Nam không đúng quy định của pháp luật đã được chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vào ngày 20/9.
Thứ hai, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty MTV Dệt 19.5 Hà Nội (nay là Công ty Cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội) trong việc quản lý tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước có dấu hiệu gây thất thoát hơn 319 tỷ đồng đã được gửi Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội vào ngày 13/9.
Ngoài ra, 9 tháng đầu năm Kiểm toán Nhà nước cũng đã cung cấp 16 bộ hồ sơ, tài liệu kiểm toán cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng. Trong đó 3 bộ hồ sơ được chuyển sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương, 1 bộ được chuyển sang Ban Kinh tế Trung ương, 2 bộ chuyển sang Ban Nội chính Trung ương, 2 bộ chuyển sang Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Về kết quả xử lý tài chính đối với các kết luận kiểm toán năm 2017, qua kiểm tra, theo dõi, tổng hợp cập nhật đến 30/9/2018, số kiến nghị xử lý tài chính đã thực hiện của các đơn vị được kiểm toán là 50.020 tỷ đồng, đạt 55,1% tổng số kiến nghị đủ bằng chứng (số tuyệt đối gấp 2,64 lần con số 18.914 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước).
Post a Comment