Sáng 26/10 Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận toàn thể đầu tiên trong bốn phiên về kinh tế - xã hội của kỳ họp thứ sáu.

Như mọi kỳ họp trước, nội dung này danh sách đại biểu đăng ký đăng đàn rất dài. Điểm mới của kỳ họp này là tên đại biểu rõ số thứ tự, 75 là số thứ tự cuối trên bảng điện tử lúc 10h sáng.

Đầu buổi sáng, nhiều ý kiến đều nhấn mạnh kết quả của năm 2018. Môt số vị nhắc lại nhận định của Tổng bí thư khi nhậm chức Chủ tịch nước: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay".

Đóng góp vào kết quả chung, sự điều hành của Chính phủ cũng được đánh giá khá cao.

Nhắc lại những khó khăn đầu nhiệm kỳ đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho biết ông khá lo lắng khi không biết Chính phủ có vượt qua được những lực cản đó hay không nhưng bây giờ khó khăn đã qua, ông cảm thấy khâm phục với kết quả cả 12 chỉ tiêu của năm nay đều đạt và vượt.

Song, cũng như các ý kiến khác, đại biểu Cầu bày tỏ lo lắng về những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, trong đó có thất thoát lãng phí trong đầu tư công.

Các dự án thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công Thương được nói đến nhiều nhưng hiện giờ lại có thêm một số dự án hạ tầng giao thông, ông Cầu nhấn mạnh.

Dẫn chứng được vị đại biểu Nghệ An nêu ngay sau đó là dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ đồng vừa mưa vài trận đã hỏng. Dự án đường sắt Hà Đông - Cát Linh đội vốn hơn 18.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành 2013 nhưng đã quá 6 năm vẫn chưa vận hành.

Dẫn chứng nữa là dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên (Tp. HCM) đội vốn hơn 47.320 tỷ , tăng 273% và hiện mới hoàn thành 52% khối lượng công việc. Ông Cầu cũng dẫn số liệu từ Kiểm toán Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải có 27/42 dự án điều chỉnh tăng vốn, tương đương 97,2 triệu USD.

"Tình trạng điều chỉnh vốn như vậy, thời gian kéo dài, thất thoát lãng phí là điều có thể xảy ra. Cử tri đòi hỏi Chính phủ xử lý nghiêm những sai phạm này, nếu không tới đây Nhà nước giao Bộ Giao thông xây dựng dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam với vốn đầu tư cả trăm nghìn tỷ đồng thì thất thoát lớn là điều khó tránh", đại biểu Cầu phát biểu.

Chuyển sang khó khăn của ngân sách, đại biểu Cầu so sánh, thu ngân sách 2018 tuy tăng 3% so với dự toán, song sụt giảm mạnh so với những năm gần đây. Hai thành phố lớn là Hà Nội, Tp.HCM đều hụt thu, rồi nợ thuế lớn lên tới hơn 83.000 tỷ đồng. 

Những vấn đề trên, theo đại biểu cần có giải pháp căn cơ thời gian tới.

Cũng liên quan đến khó khăn của "túi tiền" quốc gia, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nhấn mạnh rằng đã đến lúc phải nhận thức rõ "tiền thuế của nhân dân không thể chịu nổi khi hàng năm chi thường xuyên chiếm hơn 60% ngân sách, chi đầu tư phát triển không còn nhiều".

Theo đại biểu Hạ thì việc tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy thời gian qua đã đạt nhiều kết quả, nhưng còn chậm, bộ máy nhà nước vẫn cồng kềnh, đặc biệt chưa tinh giản được những trường hợp có đạo đức công vụ, năng lực yếu kém, ngân sách nhà nước chi cho lương vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

Nhấn mạnh  tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một ngày hai vì đây là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, vị đại biểu Bạc Liêu gợi ý giải pháp: Trung ương, Quốc hội, Chính phủ nên nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh, thành.

Nhìn sang một số nước láng giềng, có nước có diện tích lớn hơn Việt Nam 28 lần và dân số lớn hơn 15 lần nhưng chỉ có 33 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố; có nước được hình thành bởi gần 70.000 hòn đảo, dân số 120 triệu cũng chỉ có 47 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành. Việt Nam khi bước vào thời kỳ đổi mới 1986 gồm 44 tỉnh, thành nhưng nay đã 63 đơn vị, ông Hạ so sánh.

Vẫn theo đại biểu thì sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập Hà Nội và Hà Tây, thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với nhiều thành tựu to lớn, toàn diện.

"Từ thực tiễn kinh nghiệm nêu trên, tôi đề nghị Chính phủ ngoài các giải pháp hiện có, nên nghiên cứu tham mưu với Đảng, Quốc hội xem xét giải pháp sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố", đại biểu Hạ phát biểu 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top