Dự kiến đến cuối năm 2018, nợ công khoảng 61,4% GDP (cuối năm 2016 là 63,8%), nợ Chính phủ khoảng 51,9% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 49,9% GDP.

Đây là những con số được nêu tại báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành ngày 5/10.

Bộ này cho biết, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước hai năm 2016 - 2017 đều vượt dự toán, tỷ lệ huy động ngân sách bình quân 24,9% GDP (từ thuế, phí khoảng 21% GDP). Dự kiến thu cân đối ngân sách giai đoạn 2016 - 2018 khoảng 3,7 - 3,8  triệu tỷ đồng, bằng 54-55% kế hoạch, bằng khoảng 89% tổng số thu ngân sách giai đoạn 2011- 2015.

Bội chi ngân sách năm 2016 và 2017 đều giảm so với dự toán về số tuyệt đối và bình quân tốc độ tăng nợ công đã giảm gần một nửa. Cụ thể, giai đoạn 2011- 2015 tăng bình quân 18,1%, còn ba năm 2016 - 2018 tăng bình quân 9,6%/năm. Tuy nhiên, còn nhiều rủi ro về nợ bảo lãnh, tỷ giá, lãi suất.

Theo báo cáo, dư địa thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là thu ngân sách Trung ương khó khăn. Các khoản thu quan trọng của ngân sách Trung ương như từ dầu thô, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nhà nước tăng chậm hoặc giảm, trong khi việc điều chỉnh chính sách thu theo kế hoạch 5 năm cơ bản chưa được thực hiện.

Tỷ trọng thu ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 - 2018 trong tổng thu ngân sách chỉ đạt bình quân khoảng 56% (mục tiêu là 60-65%), trong khi đó giai đoạn 2011 - 2015 là 61,3%.

Hạn chế tiếp theo được chỉ ra là giải ngân vốn đầu tư công chậm, chi thường xuyên vẫn bao cấp hầu hết các lĩnh vực sự nghiệp. Nhiều chế độ, chính sách còn trùng lặp, cơ cấu lại chi thường xuyên hạn chế do chậm đổi mới khu vực sự nghiệp công lập. Nợ thuế cao, tình trạng chuyển giá, trốn thuế ngày càng tinh vi, thất thu từ khu vực ngoài quốc doanh lớn, chi sai chế độ, chính sách còn tồn tại. Hiệu quả, hiệu lực thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn hạn chế, nợ bảo lãnh còn nhiều rủi ro...

Ngoài hạn chế của ngân sách, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhìn nhận, công tác điều hành và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của chính sách tiền tệ, trong đó có tỷ giá và lãi suất vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức, do độ mở của nền kinh tế rất lớn. Nợ xấu chưa thể xử lý nhanh được do nhiều khoản nợ liên quan đến vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh và khả năng trích lập dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động đánh giá, xếp loại tổ chức tín dụng không còn phù hợp với thực tế nhưng chậm được ban hành thay thế. Việc  tổ chức thực hiện và chỉ đạo thanh tra, giám sát còn chưa thật tập trung, thống nhất và chủ động.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top