Sáng 23/10, ngay sau khi Chính phủ báo cáo 3 năm hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số, Hội đồng Dân tộc công bố Báo cáo thẩm tra kết quả 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2016 - 2018.
Theo báo cáo của Chính phủ, ba năm qua đã ban hành được 41 chính sách, trong đó có 15 chính sách trực tiếp cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi. 26 chính sách chung gián tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguồn ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số ngày càng tăng. Kết cấu hạ tầng từng bước hoàn thiện. Tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số giảm mỗi năm 4%, hiện còn 28,45%. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện hơn trước.
Khó hoàn thành mục tiêu 50% số huyện nghèo thoát khỏi đặc biệt khó khăn
Đối với từng mục tiêu cụ thể, Hội đồng Dân tộc thống nhất đánh giá kết quả giảm nghèo giai đoạn vừa qua đã đạt các chỉ tiêu do Quốc hội đề ra.
Căn cứ vào mục tiêu Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020: Phấn đấu 50% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và 20 - 30% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
"Tuy nhiên, kết quả cho thấy mục tiêu này khó có khả năng đạt được, tiêu chí hộ nghèo khác nhau ở từng giai đoạn nên số lượng xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn không nói lên đúng thực chất, đây là vấn đề cần được Chính phủ giải trình rõ hơn", báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc nêu rõ.
Hội đồng Dân tộc cho rằng, kết quả giảm nghèo ở các vùng phụ thuộc vào cơ cấu dân cư, dân tộc. Số liệu giảm nghèo chung ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ chưa phản ảnh đúng thực chất của vùng dân tộc.
Do đó, Chính phủ cần có số liệu phân tích bổ sung rõ hơn về thu nhập bình quân, số hộ nghèo và tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc ở các khu vực; đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn, đúng thực chất mức sống, thu nhập, sinh kế, mức độ tiếp cận văn hóa, giáo dục, y tế.., của đồng bào dân tộc thiểu số. Phân tích, làm rõ thực trạng của việc gia tăng các huyện nghèo thuộc diện 30a, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo trong vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Về việc làm, con số báo cáo lao động trong độ tuổi có việc làm là 8,01 triệu (chiếm 86,1%) cao hơn mặt bằng chung của cả nước (76,4%) là chưa sát thực tế. Trong khi đó tình trạng thất nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số là 5,76%, cao hơn gấp 2,5 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của cả nước 2,34%.
Hiện nay, do khu vực miền núi thiếu việc làm dẫn đến tình trạng lao động tự phát qua biên giới, lao động tự do về các trung tâm đô thị, xu hướng đi lao động ở các khu công nghiệp, hầm mỏ ngày càng nhiều. Đây là những vấn đề mới cần được bổ sung và nghiên cứu để có những chính sách phù hợp hỗ trợ cho lao động dân tộc thiểu số.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Đời sống người dân khu tái định cư dự án thuỷ lợi gặp nhiều khó khăn
Về công tác di dân, tái định cư các công trình thủy điện, thủy lợi, theo Hội đồng Dân tộc, Chính phủ đã có nhiều chính sách để ổn định và phát triển đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, nhiều nơi nhất là khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên cuộc sống người dân vẫn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất, thiếu các điều kiện sinh kế, thu nhập thấp. Mục tiêu cuộc sống nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ theo nghị quyết của Đảng nhiều nơi chưa đạt được.
Hiện, còn 221.754 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, chiếm 7,49% số hộ dân tộc thiểu số; 80.960 hộ thiếu đất ở, chiếm 2,74% hộ dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, theo Hội đồng Dân tộc, việc đưa số liệu vốn đầu tư chung cho 51 tỉnh, thành phố là đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi là chưa phù hợp.
Chẳng hạn, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng nguồn vốn đầu tư công kế hoạch 2018 của 52 địa phương vùng dân tộc thiểu số là 258.543 tỷ đồng, chiếm 85,1% vốn đầu tư toàn khối địa phương và chiếm 67,8% so với tổng dự toán đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2018.
Tuy nhiên, một số chính sách do chưa bố trí đủ nguồn lực nên phải kéo dài thời gian thực hiện so với kế hoạch ban đầu. Nhiều chương trình, chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý nguồn lực chưa được đáp ứng theo nhu cầu; một số chính sách đã ban hành từ năm 2016 nhưng vẫn chưa được cân đối, bố trí vốn để thực hiện
Hội đồng Dân tộc kiến nghị Quốc hội trong quyết định định phân bổ ngân sách trung ương, quan tâm bố trí đủ kinh phí để thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Do hệ thống tiêu chí phân định chưa hợp lý, nên hiện nay việc xác định phạm vi vùng dân tộc thiểu số chưa thống nhất. Để khắc phục vấn đề này, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định về tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số bảo đảm khách quan, khoa học, phù hợp làm cơ sở để hoạch định chính sách, bố trí, phân bổ, tập trung nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm đối với vùng này.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ xây dựng, ban hành chính sách mới cho giai đoạn tiếp theo, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của việc thực hiện chính sách trong giai đoạn vừa qua. Hằng năm cân đối, bố trí nguồn lực thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Post a Comment