Cử tri có quyền nhắn nhủ công khai với đại biểu Quốc hội là nên đánh giá tín nhiệm cao hay thấp cho vị lãnh đạo nào đó họ quan tâm hay không?

Câu hỏi này đã được phóng viên báo Tuổi trẻ Tp.HCM đặt ra tại cuộc họp báo trước thềm kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, khai mạc vào sáng 22/10.

Đây có thể coi là một kỳ họp đặc biệt, không chỉ bởi Quốc hội sẽ bầu tân Chủ tịch nước mà các vị đại diện cho dân còn tiến hành công việc chỉ diễn ra một lần duy nhất trong cả nhiệm kỳ: lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Khác với hai lần trước tại Quốc hội khoá 13, lần này việc lấy phiếu tín nhiệm diễn ra ngay đầu kỳ họp, chỉ hai ngày sau phiên khai mạc.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giải thích, việc bố trí sớm như vậy (trước các phiên chất vấn bắt đầu từ ngày 30/10) là để bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm. Vì Quốc hội chỉ xem xét chất vấn một số bộ trưởng có nội dung trong nghị quyết chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến kỳ họp thứ 4.

Nhưng, ông Phúc cũng nói rằng đánh giá tín nhiệm với một người nào đó là qua thông tin của cả ba năm từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chứ không chỉ riêng tại kỳ họp này.

Với câu hỏi ở đầu bài viết, ông Phúc trả lời rằng, trao đổi với đại biểu về mức độ tín nhiệm ai đó như thế nào là quyền của công dân, là chuyện bình thường, được pháp luật bảo vệ. Có điều đại biểu cần chọn lọc chứ không phải ý kiến nào cũng nghe.

Chọn lọc thông tin để "thước đo" tín nhiệm có thể thẳng ngay, việc này xem ra vừa dễ cũng lại vừa rất khó với mỗi vị đại biểu Quốc hội đương nhiệm.

Dễ, bởi vì tất các các báo cáo của người được lấy phiếu, theo như ông Phúc cho biết là đã được gửi đến tay đại biểu trước kỳ họp 30 ngày theo đúng quy định.

Nhưng khó, vì mỗi báo cáo đó được giới hạn từ 4-5 trang A4, khó mà có thể nêu đầy đủ những thông tin đa chiều cần thiết cho cả ba năm của những người được lấy phiếu, đều là những người nắm giữ chức trách quan trọng ở cả lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Hơn nữa, báo cáo lần này ngoài kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật như mọi lần còn được yêu cầu bổ sung nội dung tự đánh giá, kiểm điểm về việc có hay không những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ theo nghị quyết Trung ương 4.

"Cân đo" mức độ của những nội dung được yêu cầu bổ sung này có lẽ còn khó hơn nhiều việc xem xét kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mỗi chức danh được lấy phiếu.

Dễ vì ngoài báo cáo về kinh tế xã hội hàng năm như mọi kỳ họp khác, kỳ này còn có  đánh giá giữa kỳ về kế hoạch 5 năm tái cơ cấu kinh tế, đầu tư công trung hạn... Rồi còn cả báo cáo kiểm điểm việc thực hiện "lời hứa" sau chất vấn của các vị đã được chọn đăng đàn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Nhưng cũng lại khó, vì có những vị trong bất cứ báo cáo nào hầu như cũng chỉ có kết quả, thành tích, dù không ít bức xúc của ngành mình vẫn được cử tri và đại biểu đề cập trong mỗi kỳ họp.

Một nguồn thông tin vô cùng quan trọng không thể không nhắc đến, đó là ý kiến cử tri. Việc các đại biểu bỏ phiếu bày tỏ tín nhiệm với các chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn, suy cho cùng cũng là đại diện cho cử tri bày tỏ tín nhiệm.

Dễ, vì ý kiến cử tri vô cùng phong phú, bao giờ cũng được Chủ tịch Uỷ ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày ngay trong phiên khai mạc kỳ họp.

Lại cũng khó, vì chắt lọc như thế nào để lá phiếu bảo đảm sự công tâm. Bởi có những vấn đề cử tri bức xúc triền miên từ kỳ này qua kỳ khác, như phòng chống tham nhũng, sai phạm trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ...thật không dễ dàng quy được trách nhiệm cá nhân.

Hay có những hạn chế, yếu kém kỳ họp nào cử tri cũng phản ánh trong quản lý đất đai, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, sự lộng hành của lâm tặc, cát tặc... cũng chưa hẳn trách nhiệm chính thuộc về những vị đứng đầu các lĩnh vực đó.

Nhưng dù gì, như khẳng định của Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, cử tri nhắn nhủ với người đại diện cho mình về mức độ tín nhiệm với vị nào đó trong danh sách bỏ phiếu là quyền được pháp luật bảo vệ.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, vào kỳ họp giữa năm 2013, khi Quốc hội lần đầu tiên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đã nhấn mạnh rằng đây là cuộc "bỏ phiếu kép". Quốc hội bỏ phiếu để đánh giá tín nhiệm các chức danh chủ chốt nhất của bộ máy nhà nước, còn cử tri bỏ phiếu cho các vị đại diện của mình về độ chính xác của lá phiếu.

48 chức danh, mỗi người lại có ba mức độ (tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp) để lựa chọn, trong bối cảnh thông tin  về người được lấy phiếu có thể vừa "thừa" lại vừa thiếu thì mức độ chính xác có thể cũng chỉ là tương đối.

Nhưng dù gì, "thước đo" tín nhiệm của cử tri với những người đại diện cho mình cũng sẽ ít nhiều phụ thuộc vào mức độ chính xác của từng lá phiếu ấy.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top