Các dự án đều đầu tư lớn, thực hiện kéo dài trong nhiều năm và phát sinh nhiều vấn đề về chêch lệch tỷ giá, khấu hao, chi phí tài chính...
Hoàn thành ngày 18/10, báo cáo về tình hình và kết quả thực hiện nghị quyết số 33/2016 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực công thương vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội.
Rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại, khẩn trương xử lý dứt điểm đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm là yêu cầu được nêu tại nghị quyết.
Cập nhật tình hình, Chính phủ cho biết, sau hơn 1 năm thực hiện đề án xử lý các dự án nói trên tình hình ở 12 dự án, doanh nghiệp tiếp tục có các chuyển biến tích cực. Tuy nhiên hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tập trung xử lý.
Khó hoặc không dàn xếp được tranh chấp
Khó khăn đầu tiên là xử lý tranh chấp các hợp đồng EPC. Theo báo cáo, đối với 8 dự án, doanh nghiệp có vướng mắc, tranh chấp đối với hợp đồng EPC đến nay vẫn chưa giải quyết được theo tiến độ đã đề ra, một số trường hợp không dàn xếp được và phải đưa ra trọng tài quốc tế phân xử.
Cụ thể, 3 dự án Nhà máy sản xuất phân bón (Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai) do các bên không dàn xếp được nên hiện đã phải chuẩn bị sẵn sàng phương án giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài quốc tế.
Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ sau thời gian dài tranh chấp căng thẳng với nhà thầu hợp đồng EPC là Công ty xây dựng Huyndai (HEC) thì nay hai bên đã thống nhất nối lại đàm phán và theo hướng sẽ hòa giải, phía nhà thầu HEC đang xem xét các đề xuất của Tập đoàn PVN và PVTex.
4 dự án còn lại vẫn đang tiếp tục làm việc để giải quyết các tranh chấp nhưng chưa thống nhất được với các nhà thầu về phương án giải quyết tranh chấp và các giải pháp xử lý cuối cùng.
Những vướng mắc trong công tác quyết toán hoàn thành dự án cũng rất khó xử lý. Riêng Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình Chính phủ cho biết đã có văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước về việc hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện kiểm toán Dự án do đơn vị tư vấn kiểm toán độc lập đã từ chối đưa ra báo cáo kết quả kiểm toán.
Ngân hàng thu về 10 chỉ cho vay lại 9
Huy động, bảo đảm nguồn lực để giải quyết khó khăn cho các dự án, doanh nghiệp là khó khăn tiếp theo được đề cập.
Báo cáo nêu rõ, đối với một số dự án, các tập đoàn, tổng công ty và chủ đầu tư gặp lúng túng trong việc chỉ đạo các cổ đông nhà nước thực hiện việc biểu quyết tăng vốn, bổ sung nguồn lực để xử lý các vấn đề khó khăn của dự án theo qui định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Đồng thời bảo đảm nguyên tắc Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án.
Một số dự án, đặc biệt là các dự án sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, đang tiếp tục gặp phải khó khăn về vay vốn lưu động để phục vụ sản xuất kinh doanh do các ngân hàng thương mại áp dụng cho vay theo phương thức "thu về 10 phần và chỉ cho vay lại 9 phần" sau mỗi chu kỳ sản xuất. Điều này dẫn đến khó khăn, thiếu hụt vốn sản xuất của dự án, giá thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón tăng cao.
Khó khăn nữa là vẫn còn một số các dự án, doanh nghiệp chưa được xử lý nên tiếp tục gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn tài chính cho các hoạt động để xử lý các tồn tại, vướng mắc cũng như sắp xếp vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh (Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Dự án Nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học Quảng Ngãi...).
Bên cạnh đó, một số dự án, doanh nghiệp đã bị âm vốn chủ sở hữu nên gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn kinh phí để thực hiện các công việc nhằm khởi động, vận hành lại nhà máy và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Như Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Dự án Nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học Bình Phước, Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Công ty DQS.
Chính phủ đánh giá, để tiếp tục xử lý triệt để các dự án, doanh nghiệp trong thời gian tới là không đơn giản. Vì các dự án đều đầu tư lớn, thực hiện kéo dài trong nhiều năm và phát sinh nhiều vấn đề về chêch lệch tỷ giá, khấu hao, chi phí tài chính... Cùng với đó là phải xem xét, bảo đảm xử lý tổng thể các vấn đề về công ăn việc làm cho người lao động, ổn định chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Để đảm bảo xử lý triệt để, Chính phủ nêu một số nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới.
Theo đó, Ngân hàng nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan giao các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng tiếp tục tái cơ cấu các khoản nợ vay của các dự án, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và nguyên tắc thị trường, cùng chia sẻ rủi ro. Điều chỉnh lại cơ chế vay, trả nợ cho phù hợp để hỗ trợ dự án, doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh.
Theo báo cáo thì hiện naycó tất cả 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng để thực hiện 12 dự án với tổng số dư cấp tín dụng đến thời điểm 30/6/ 2018 là 20.943 tỷ đồng, tăng 96 tỷ đồng so với thời điểm 31/1/2018 do một số ngân hàng giải ngân, thu hồi nợ đối với các khoản cho vay.
Post a Comment