Từ sáng 4/4, các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách bắt đầu một ngày rưỡi làm việc, thảo luận ba dự án luật, gồm Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Mỗi dự án luật sẽ được thảo luận trong thời gian một buổi.

Triết lý giáo dục được thể hiện lồng ghép

Sáng 4/4, Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ được Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành thảo luận.

Nội dung đầu tiên được đề cập tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật được gửi đến các vị đại biểu là triết lý giáo dục.

Thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ sáu, một số ý kiến đại biểu đề nghị quy định cụ thể về triết lý giáo dục trong dự thảo luật.

Thường trực Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng (cơ quan thẩm tra dự án luật) khẳng định, triết lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định mục tiêu và định hướng trong triển khai, phát triển giáo dục của mỗi quốc gia.

"Thực tế Việt Nam không đi ngoài nguyên tắc này, trong suốt thời gian qua từ lúc thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến nay, nền giáo dục Việt Nam đã và đang vận động dưới sự dẫn dắt của một triết lý giáo dục được xây dựng, hình thành và phát triển qua các thời kỳ cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Triết lý này thể hiện rõ trong các quan điểm, định hướng của Đảng về phát triển giáo dục và được thể chế hóa thành các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý phát triển giáo dục trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục", báo cáo nêu rõ.

Cơ quan thẩm tra dự án luật cho biết, tham khảo luật giáo dục một số nước trên thế giới cho thấy, việc thể hiện tư tưởng triết lý giáo dục của các nước rất đa dạng nhưng hầu hết các luật không quy định riêng về triết lý giáo dục mà được thể hiện thông qua những quy định về mục đích, sứ mệnh, mục tiêu và nguyên lý giáo dục.

Vì vậy, Thường trực Uỷ ban thẩm tra đề nghị không quy định triết lý giáo dục thành một điều khoản riêng mà sẽ thể hiện lồng ghép trong các quy định chung về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và quan điểm phát triển giáo dục; đồng thời tinh thần triết lý giáo dục Việt Nam sẽ được thể hiện xuyên suốt trong các quy định của luật này.

Theo đó, dự thảo luật đã bổ sung các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý  và định hướng phát triển giáo dục Việt Nam.

Dự thảo luật ngày 31/3/2019 quy định:

Điều 2. Mục tiêu giáo dục

Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có ý thức, phẩm chất, năng lực của công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Điều 3. Tính chất, nguyên lý giáo dục

1. Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.

2. Hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

Phạm nhân có những quyền gì?

Chiều 4/4 dự thảo Luật Thi hành án hình sự sẽ được thảo luận, cũng vẫn dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau là quyền, nghĩa vụ của phạm nhân.

Một số ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung thêm một số quyền của phạm nhân (như quyền kết hôn, quyền hiến xác, quyền hiến mô và bộ phận cơ thể người…). Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc mở rộng các quyền của phạm nhân vì đây là đối tượng phải chấp hành hình phạt, bị hạn chế quyền tự do nên không thể có các quyền như công dân bình thường.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, phạm nhân là người bị kết án phạt tù, bị cách ly khỏi xã hội trong một thời gian nhất định theo bản án. Họ có nghĩa vụ lao động, học tập, cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội. Vì vậy, họ không thể được hưởng tất cả các quyền con người, quyền công dân giống như những công dân khác đang ở ngoài xã hội.

Việc xác định các quyền cụ thể của phạm nhân vừa phải bảo đảm tính nhân đạo nhưng cũng vừa phải bảo đảm tính nghiêm khắc của hình phạt tù; đồng thời khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng đáp ứng của Nhà nước.

Do đó, ngoài những quyền cơ bản đã được quy định và bảo đảm thực hiện như: quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, bảo đảm chế độ ăn, mặc, ở, gặp, quyền lao động, học tập, học nghề..., việc bổ sung các quyền khác đối với phạm nhân (như quyền kết hôn, quyền sinh con, quyền được gửi, lưu giữ trứng, tinh trùng…) phải có bước đi phù hợp. 

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã bổ sung và quy định 10 nhóm quyền của phạm nhân như: quyền được thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện theo quy định của pháp luật; quyền được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; quyền được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật... 

Sáng 5/4 các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top