Trước thông tin và nhận định cho rằng, Hà Nội là thành phố ô nhiễm bụi mịn đứng thứ 2 Đông Nam Á, lãnh đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường khẳng định "nhận định này không chính xác".

Trao đổi với báo chí chiều 2/4 về nội dung trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho hay, tại Hà Nội, qua các thông số đo đạc được, ô nhiễm môi trường thường tập trung trong mùa Đông và mùa Xuân, từ tháng 12 đến tháng 2, tháng 3 năm sau. Kết quả quan trắc từ trạm quan trắc của Tổng cục Môi trường và 10 trạm quan trắc không khí tự động của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tham chiếu số liệu quan trắc đặt tại Đại sứ quán Mỹ thì quý 1 năm nay cho thấy hàm lượng bụi PM 2.5 đã vượt quy chuẩn cho phép trong một số ngày của tháng 1, 2, 3.

"Việc ô nhiễm bụi vượt ngưỡng cho phép mang tính cục bộ ở Hà Nội là có thật. Nguyên nhân là do tập trung mật độ giao thông, nhiều công trình xây dựng, nhà máy sản xuất, hoạt động đốt rác của người dân… nên mức độ ô nhiễm cao hơn", Thứ trưởng Nhân nói.

Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thông tin Hà Nội ô nhiễm bụi ở Hà Nội cao thứ 2 Đông Nam Á xuất phát từ một báo cáo về hiện trạng chất lượng không khí toàn cầu của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh.

Tuy nhiên, ông Nhân cho rằng, thực chất nhận định này chưa chính xác vì trong bảng thống kê chỉ có số liệu của 20 thành phố thuộc 4/11 quốc gia Đông Nam Á, do đó không có cơ sở kết luận như vậy.

"Sự thật là không khí ở Hà Nội có ô nhiễm và phải quyết tâm có giải pháp giảm thiểu. Thành phố Hà Nội hiện rất quyết liệt trong xây dựng thêm 80 trạm quan trắc không khí để phủ hết địa bàn thành phố làm cơ sở kết luận mức độ ô nhiễm của thành phố trong từng thời điểm cụ thể. Bộ đã làm việc với Hà Nội và lãnh đạo thành phố cũng quyết tâm di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi trung tâm thành phố và nhiều biện pháp mạnh khác", ông Nhân nói.

Theo báo cáo "Chất lượng không khí toàn cầu 2018" do IQAir AirVisual hợp tác với Tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace) Đông Nam Á vừa công bố, Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á, sau Jakarta (Indonesia). Nguyên nhân là thời tiết kết hợp ô nhiễm do khói bụi giao thông, phá dỡ công trình xây dựng.

Chỉ số chất lượng không khí (viết tắt là AQI) là chỉ số được tính toán từ các thông số quan trắc các chất ô nhiễm trong không khí, cho biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top