Nghiên cứu khả năng tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho các lĩnh vực ưu tiên là một trong nhiều kiến nghị được nêu tại báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1/2019 vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố sáng 19/4.
Băn khoăn "tín dụng đen"
Liên quan đến chính sách tiền tệ, các tác giả báo cáo nhận định, quý 1/2019 mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được giữ ổn định. Lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn, 4,5-5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5-6,5%/năm với kỳ hạn 6-12 tháng và 6,6-7,3%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng.
Diễn biến tích cực trên được nhìn nhận là chủ yếu do một số ngân hàng thương mại lớn có xu hướng giảm lãi suất huy động hoặc duy trì lãi suất huy động thấp. Lý do nữa là thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào trong khi giải ngân tín dụng chưa tăng mạnh và FED công bố không tăng lãi suất trong năm 2019 nên không tạo ra áp lực tăng lãi suất huy động VND để giữ chân tiền đồng.
Đánh giá tiếp theo của chuyên gia CIEM là mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục ổn định. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm và 9-11%/năm đối với lãi suất cho vay trung và dài hạn. Các ngân hàng thương mại nhà nước đã chủ động giảm khoảng 0,5 điểm %/năm đối với lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua lúa gạo và hỗ trợ các hộ chăn nuôi chịu thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi.
Dù vậy, việc không ít ngân hàng lớn đặt mục tiêu lợi nhuận cao gây ra quan ngại về khả năng giảm lãi suất trong năm 2019, nhóm chuyên gia lưu ý.
Báo cáo cho biết, tính đến 25/3, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,67% so với cuối năm 2018 và 10,99% so với cuối quý 1/2018. Tốc độ tăng M2 tiếp tục chậm lại đáng kể so với cùng kỳ 2017-2018.
Đáng lưu ý, theo nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào ròng ngoại tệ trong quý 1, với ước tính khoảng 4 tỷ USD trước Tết và 2,5 tỷ USD sau Tết. Mức mua ròng này thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2018, nên tốc độ tăng M2 trong quý 1 nhìn chung hợp lý.
Nhóm chuyên gia của CIEM nhận định, diễn biến tín dụng trong quý 1 chịu ảnh hưởng của một số nguyên nhân, như Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tín dụng cho các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, tập trung tín dụng cho sản xuất; chủ trương đẩy lùi tín dụng đen và lộ trình cắt giảm tín dụng ngoại tệ để chống đôla hóa trong năm 2019.
Tuy nhiên, "tín dụng đen" dường như còn bị đánh đồng với "tín dụng phi chính thức". Điều này đặt ra rủi ro về việc các chính sách hướng tới giảm tín dụng đen có thể hạn chế sự sáng tạo trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và hạn chế nguồn vốn phi ngân hàng cần thiết cho nhu cầu của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Chuyên gia CIEM cũng nhận định, mô hình cho vay ngang hàng đang dần trở nên phổ biến ở Việt Nam với khoảng 76 tổ chức cung ứng dịch vụ qua internet và 41 tổ chức qua mạng điện thoại di động. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh mới này còn gặp nhiều rào cản về pháp lý và có nguy cơ biến tướng thành đa cấp hay tín dụng đen.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã công bố sẽ cho thực hiện thí điểm hoạt động cho vay ngang hàng, xem đó như một ngành kinh doanh có điều kiện. Động thái trên của Ngân hàng Nhà nước, theo nhóm tác giả của CIEM, dù muộn, vẫn có ý nghĩa tích cực trong bối cảnh phát triển Fintech nói riêng và cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung.
Nhận định xử lý nợ xấu có thêm chuyển biến, báo cáo cho rằng vấn đề chính đối với xử lý nợ xấu vẫn là: khó khăn trong việc toàn quyền đấu giá các tài sản thế chấp (ngân hàng thương mại mới chỉ có quyền thu giữ sau nghị quyết 42) và công tác thi hành án. Ngoài ra kiểm soát tín dụng cho bất động sản khiến nguồn lực cho xử lý tài sản đảm bảo bị hạn chế.
Cân nhắc lùi lộ trình cắt giảm tín dụng ngoại tệ
Kiến nghị về chính sách tiền tệ, các tác giả báo cáo cho rằng cần sớm ban hành chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tài chính, giảm tệ nạn tín dụng đen.
Nghiên cứu khả năng tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho các lĩnh vực ưu tiên cũng là kiến nghị được nêu tại báo cáo.
Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị xác định rõ ràng hơn phạm vi của "tín dụng đen" để có biện pháp xử lý, tránh đánh đồng "tín dụng đen" và "tín dụng phi chính thức", qua đó hạn chế sự sáng tạo trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và đáp ứng nguồn vốn phi ngân hàng cần thiết cho nhu cầu của doanh nghiệp.
Một số kiến nghị tiếp theo là cân nhắc lùi lộ trình cắt giảm tín dụng ngoại tệ để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nghiên cứu, ban hành các quy định về quản lý ngoại hối thông thoáng hơn đối với các quỹ, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo. Tiếp tục thông tin định kỳ với thị trường về công tác điều hành tỷ giá. Tránh đề ra các mục tiêu "cứng" đối với công tác điều hành tỷ giá.
Theo dõi sát diễn biến tỷ giá đồng USD, NDT, Euro cũng như giá cả một số mặt hàng quan trọng trên thị trường thế giới để điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, chặt chẽ nhằm hạn chế tác động đối với lạm phát và môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam...
Post a Comment