Đại diện các doanh nghiệp Việt cho rằng, khái niệm đổi mới, sáng tạo vẫn còn khá xa lạ với nhiều doanh nghiệp Việt, và dám thay đổi, bứt phá từ tư duy đến hành động còn là cả một hành trình dài mà không phải doanh nghiệp Việt nào cũng dám thực hiện.
Khái niệm đổi mới, sáng tạo vẫn còn khá xa lạ
Một khảo sát được thực hiện ngay tại hội thảo Diễn đàn CEO 2019 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 5/4 cho thấy, có 20% doanh nghiệp tham gia hội thảo cho biết, do chi phí đầu tư cao nên họ chưa sẵn sàng đổi mới sáng tạo. Có 44% doanh nghiệp cho rằng, vì doanh nghiệp đang ổn định và tư duy ngại thay đổi nên họ chưa chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, cũng có đến 36% doanh nghiệp cho biết, họ thiếu thông tin, chưa hiểu rõ hoặc chưa biết đến chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Những con số này cho thấy, khái niệm đổi mới, sáng tạo vẫn còn khá xa lạ với nhiều doanh nghiệp Việt, và dám thay đổi, bứt phá từ tư duy đến hành động còn là cả một hành trình dài mà không phải doanh nghiệp Việt nào cũng dám thực hiện. Đó cũng chính là chủ đề của phiên thảo luận thứ hai nằm trong chuỗi sự kiện Diễn đàn CEO 2019 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 5/4/2019.
"Khi xây dựng chuyển đổi số trong ngành ngân hàng thì tư duy của lãnh đạo rất quan trọng. Ví như ngân hàng OCB của chúng tôi đã phải mất 3 năm để chuyển đổi mô hình. Chúng tôi từ bỏ cách làm thuần tuý như thay vì cử nhân viên đi lấy hồ sơ của khách hàng thì chúng tôi lấy hồ sơ đánh giá khách hàng trước, sau đó nhân viên chỉ đi gặp khách hàng để xác định ý kiến họ có đồng ý vay hay không và bước cuối cùng là ngân hàng phê duyệt.
Nói thì đơn giản vậy nhưng thực chất muốn làm lại không hề đơn giản. Chúng tôi phải làm với một số công ty thứ ba, để có được hệ thống dữ liệu, tạo ra đánh giá chung của ngân hàng. Đây là một quá trình rất công phu và lần đầu tiên chúng tôi cho vay mà không dựa trên hồ sơ mà nhân viên mang về, nên chúng tôi phải thuyết phục được đội quản lý rủi ro.
Chúng tôi phải chấp nhận thử mất 3 năm mới dám tung hoạt động này ra thị trường. Trong 3 năm đó, chúng tôi đã mất tiền, không quá nhiều nhưng có mất số tiền nhỏ, sau đó mới làm được như hiện nay", ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc (CEO) Ngân hàng OCB, chia sẻ về quá trình đột phá, chuyển đổi số của ngân hàng mình.
Ông Nguyễn Đình Tùng, CEO Ngân hàng OCB - Ảnh: Quang Phúc.
Tâm đắc với câu chuyện chuyển đổi số của Ngân hàng OCB, bà Ninh Thị Bích Thùy, CEO Công ty Thép TVP cũng đúc rút từ kinh nghiệm của doanh nghiệp mình khi đề cập đến tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong phát triển doanh nghiệp.
Bà Thuỳ kể, từ thập niên những năm 80, 90 bà đã đi rất nhiều nơi và chứng kiến doanh nghiệp Việt Nam thời kỳ đó sử dụng công nghệ vô cùng lạc hậu. Đó là công nghệ cũ từ các thập niên trước, của các nước khác được gom nhặt về Việt Nam để sử dụng. Sau đó, bà được ra nước ngoài và nhận thấy các doanh nghiệp ngoại ứng dụng tự động hoá vào sản xuất và làm việc rất đơn giản.
"Sau đó tôi đã quyết định đầu tư vào dây chuyền sản xuất từ năm 1996. Thời điểm đó, công suất dây chuyền thép chỉ 200.000 tấn/năm, nhưng giờ đã hơn 2 triệu tấn/năm, gấp rất nhiều lần. Nhưng cũng cần phải nói, tôi dám mạnh dạn đầu tư đầu tiên là do sức ép của thị trường, phải chuyển đổi công nghệ số, các đối thủ thôi thúc mình phải có những công nghệ mới làm tăng năng suất lao động, có được giá thành cạnh tranh và mở rộng được thị phần trong và ngoài nước", bà Thuỳ chia sẻ.
Việc chuyển đổi không chỉ nâng cao năng suất mà còn giúp doanh nghiệp của bà Thuỳ không bị phụ thuộc vào nguồn nhân lực. Trước khi đổi mới, công ty của bà Thuỳ phải phụ thuộc vào lao động, họ làm lúc nào thì doanh nghiệp biết ngày đó nên vấn đề nhân sự luôn là bài toán nhức nhối. Nhưng sau khi chuyển đổi tự động hoá để giải quyết áp lực về nhân sự, sản lượng tăng lên đáng kể, làm tăng thị phần, tăng doanh số, tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên.
Bà Ninh Thị Bích Thùy, CEO Công ty Thép TVP - Ảnh: Quang Phúc.
Câu chuyện của ông Tùng, bà Thuỳ cũng khá tương đồng với Công ty Cổ phần Tập đoàn TH do ông Ngô Minh Hải làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Theo đó, ông Hải cho rằng, doanh nghiệp phải thay đổi, sẵn sàng thay đổi ngay khi đang ở đỉnh cao.
"Bởi nếu không có sự tiếp tục đổi mới thì chúng ta sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Chính vì thế doanh nghiệp của chúng tôi luôn tìm kiếm những công nghệ mới, thay đổi công nghệ cũ để làm sao cho hiệu quả hơn.
Chúng tôi cũng đánh giá tất cả nền tảng ứng dụng công nghệ, xem những cái gì mới, có thể tự động hoá được, tăng năng suất lao động thì áp dụng vào. Tôi cho đây là việc sống còn của doanh nghiệp, không thể chờ đợi công nghệ tự đến, đợi đối thủ làm thì mới làm mà phải làm trước để phát triển doanh nghiệp của minh", ông Hải nói.
Ông Ngô Minh Hải - Ảnh: Quang Phúc.
Có thể thấy, OCB, TVP, TH là số ít các doanh nghiệp Việt dám thay đổi, dám bứt phá để đổi mới chính mình. Thực tế, còn rất nhiều doanh nghiệp Việt khác vẫn đang e dè, vẫn sợ thay đổi, sợ cái mới. Phải chăng, càng là doanh nghiệp lớn thì lại càng chậm chuyển đổi, sáng tạo chậm hơn các doanh nghiệp đi sau?
"Tôi không cho là vậy. Trong môi trường số hiện nay không có sự phân biệt lớn nhỏ. Không phải doanh nghiệp thì sẽ nghĩ mình chuyển đổi nhanh, còn doanh nghiệp lớn thì chậm chạp. Tôi cho rằng, nếu đã có sự quyết tâm và sự đột phá thì lớn hay nhỏ không thành vấn đề", ông Nguyễn Đình Tùng nêu quan điểm.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, trong ASEAN hiện nay thì Việt Nam là nước cuối cùng tuyên bố về đổi mới sáng tạo. Việt Nam mới dự kiến cuối năm nay tuyên bố đổi mới sáng tạo và về mặt quốc gia là chúng ta đã đi sau, đi chậm hơn các nước khác.
"Nên tôi hy vọng khi chúng ta nói về chuyển đổi số nhiều hơn thì sẽ thay đổi được nhiều hơn. Và tôi nghĩ rằng một khi chúng ta đã bắt đầu công cuộc đổi mới thì chúng ta sẽ làm rất nhanh, bởi vốn dĩ người Việt Nam cũng ứng phó rất nhanh với công nghệ và cái mới", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cuộc cách mạng công nghệ số đến điểm gãy là 4.0 chính là cơ hội tốt, sẽ thúc đẩy Chính phủ, doanh nghiệp phải nhanh hơn. Tuy nhiên, về phía Chính phủ chủ yếu vẫn phải chấp nhận những mô hình kinh doanh mới, để tạo cạnh tranh mạnh hơn, các công nghệ đột phá mới hỗ trợ cho doanh nghiệp cùng phát triển.
Post a Comment