Phải thay đổi văn hoá người tiêu dùng, nhận thức đúng đắn về tác hại của rượu bia thì cầu sẽ giảm chứ không phải luật ra để cấm hay thu hẹp sản xuất của nhà máy rượu bia.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh như trên tại phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, sáng 12/4.
Phải tiếp cận đa chiều
Đây là dự án luật được cả dư luận và các nhà sản xuất, kinh doanh rượu bia rất quan tâm, nhiều ý kiến đã được gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, có những ý kiến phê phán gay gắt một số chính sách tại dự thảo luật.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết đã chuyển hàng chục văn bản của các tổ chức quốc tế, các hiệp hội rượu bia nước ngoài đến cơ quan thẩm tra.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì nếu sử dụng đều đặn, đúng liều lượng thì rượu bia rất tốt cho sức khoẻ. Cần rõ thái độ khi ban hành là luật này chỉ phòng chống tác hại, giảm tác hại của việc lạm dụng rượu bia, nên phải tiếp cận đa chiều, Chủ tịch nói.
Việt Nam được đánh giá là một trong những nước uống bia nhiều nhất thế giới, ở nước ngoài muốn uống cốc thứ hai thì phải xin còn mình thì ép nhau uống hết cốc này sang cốc khác. Đó là văn hoá kỳ lạ, phải thay đổi văn hoá người tiêu dùng, văn hoá lên nhận thức thay đổi thì cầu sẽ giảm chứ không phải luật ra để cấm hay thu hẹp sản xuất của nhà máy sản xuất rượu bia, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Cân nhắc quy định cấm quảng cáo
Một trong những nội dung được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quan tâm thảo luận là quy định quản lý quảng cáo rượu, bia.
Điều 5 dự thảo luật quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức.
Báo cáo của cơ quan thẩm tra cho biết, thảo luận tại Quốc hội có ý kiến cho rằng quy định về hạn chế quảng cáo đi ngược lại xu thế tiến bộ của thời đại công nghệ thông tin, có thể khiến người tiêu dùng khó phân biệt được chất lượng rượu, bia, ảnh hưởng đến quyền thông tin của người dân, gây thiệt hại về kinh tế, thậm chí có nguy cơ dẫn đến chuyển một phần khoản thu từ quảng cáo, tài trợ này ra nước ngoài.
Thường trực Ủy ban thẩm tra cho rằng, khác với hoạt động thông tin, hoạt động quảng cáo rượu, bia chỉ hướng tới những điểm nổi trội của sản phẩm, có thể khiến người dân chưa có cách nhìn toàn diện về rượu, bia, thậm chí ảnh hưởng đến quyền được tiếp nhận thông tin khách quan về rượu, bia.
Bên cạnh đó, tuy quy định kiểm soát quảng cáo rượu, bia trên một số phương tiện và bằng một số phương thức có thể gây một số tổn thất về nguồn thu từ quảng cáo nhưng xét về khía cạnh sức khỏe, đây là một trong ba biện pháp được các nghiên cứu chứng minh là hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất trong giảm tiêu thụ, giảm tác hại của rượu, bia và được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên áp dụng như là biện pháp ưu tiên. Do vậy, Thường trực Ủy ban cho rằng cần giữ quy định về quản lý quảng cáo rượu, bia trong dự thảo luật.
Một số ý kiến không nhất trí với việc quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên dưới mọi hình thức và đề nghị xem xét để đảm bảo thống nhất với các quy định của Luật Quảng cáo, Luật Thương mại hoặc để Luật Quảng cáo điều chỉnh; ý kiến khác cho rằng quy định này không khả thi và đề nghị quy định theo hướng quảng cáo phải có điều kiện, Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra cho biết.
Theo Thường trực Uỷ ban, rượu hay bia chứa cồn là chất gây nghiện, có ảnh hưởng đến sức khỏe con người ở các mức độ khác nhau tuỳ theo độ cồn được đưa vào cơ thể. Các sản phẩm rượu, bia trên 15 độ cồn sẽ tác động có hại rất lớn đến sức khoẻ người dân nên việc hạn chế quảng cáo các sản phẩm này là cần thiết.
Ngoài ra, với tính chất là luật chuyên ngành, quy định này không tạo ra xung đột pháp lý với Luật Quảng cáo và Luật Thương mại theo nguyên tắc áp dụng pháp luật quy định tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, Thường trực Uỷ ban xin được giữ quy định này như dự thảo luật.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cân nhắc và cần nghiên cứu thông lệ quốc tế để đảm bảo tính thống nhất về quy định quảng cáo rượu, bia.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý quy định về quảng cáo như thế nào vừa phải đảm bảo lợi ích thoả đáng cuả doanh nghiệp và của cả đối tượng được hưởng lợi của quảng cáo này. Chẳng hạn tiền quảng cáo rượu bia đó nuôi một số đội bóng thì quy định thể nào để các đội bóng không bị ảnh hưởng?
Quy định cấm quảng cáo phải phù hợp với các quy định của Luật Quảng cáo, Luật Thương mại, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Trước các ý kiến còn khác nhau và phản biện từ các hiệp hội, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói, nếu thuận thì sẽ thông qua dự thảo luật tại kỳ họp thứ bảy của Quốc hội, còn nếu chưa thuận thì tiếp tục thảo luận, chưa vội thông qua.
Post a Comment