Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa phát đi thông tin cho biết, trong quý 1/2019, tổng số cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin ở Việt Nam là 620 cuộc, giảm 21,17% so với quý 4/2018.
Nếu so với cùng kỳ năm 2018 thì số cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin trong quý vừa qua đã giảm tới 49,82%, theo thống kê của Cục này.
Ngoài con số tích cực trên, một kết quả thống kê khác về an toàn an ninh mạng cũng đáng chú ý. Cụ thể, theo Cục An toàn thông tin, số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma (mạng Botnet) hiện là 1.845.133 địa chỉ, giảm 17,42% so với quý 4/2018, giảm 56,19% so với cùng kỳ quý 1/2018.
Chỉ số này cho thấy tình hình bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam đã có chuyển biến, đặc biệt, các chiến dịch xử lý mã độc ở Hà Nội và Tp.HCM do Bộ Thông tin và Truyền thông, trực tiếp là Cục An toàn thông tin phối hợp với hai thành phố triển khai thời gian vừa qua đã đạt được hiệu quả nhất định.
Liên quan đến vấn đề an toàn an ninh mạng, giữa tháng 3 vừa qua, một đơn vị khác của Bộ Thông tin và Truyền thông, là Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), cũng phát đi thông báo đang có chiến dịch phát tán mã độc tống tiền GandCrab 5.2 vào Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Theo VNCERT, tại Việt Nam, GandCrab 5.2 được phát tán thông qua thư điện tử giả mạo Bộ Công an Việt Nam với tiêu đề "Goi trong Cong an Nhan dan Viet Nam", có đính kèm tệp "documents.rar".
Khi người dùng giải nén và mở tệp tin đính kèm, mã độc sẽ được kích hoạt và toàn bộ dữ liệu người dùng bị mã hóa, đồng thời sinh ra môt tệp nhằm yêu cầu và hướng dẫn người dùng trả tiền chuộc từ 400 USD - 1.000 USD bằng cách thanh toán qua đồng tiền điện tử để giải mã dữ liệu.
VNCERT cũng cho rằng, mã độc tống tiền GandCrab rất nguy hiểm, có thể đánh cắp thông tin và mã hóa toàn bộ dữ liệu trên máy bị nhiễm. Tin tặc khai thác và tấn công sẽ gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng khác.
Post a Comment