Nếu quy định như dự thảo luật sửa đổi thì có ý kiến chuyên gia cho rằng còn không tiến bộ bằng mô hình hiện tại, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu vấn đề liên quan đến quy định mới về Uỷ ban Chứng khoán nhà nước.
Chiều 2/4 Uỷ ban Kinh tế họp thường trực mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Còn rất nhiều băn khoăn
Gợi mở một số vấn đề cần tập trung thảo luận sau khi nghe tờ trình, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết còn rất nhiều băn khoăn về 5 nhóm vấn đề với 13 nội dung cụ thể tại dự thảo luật.
Dự thảo luật sửa đổi này thì có đạt được mục tiêu tạo ra một kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả hơn phục vụ nền kinh tế hay không, có tiến bộ hơn luật hiện hành hay không, đó là mấu chốt, ông Thanh nhấn mạnh.
Liên quan đến quy định chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, dự thảo sửa đổi, nâng điều kiện về vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng lên từ 30 tỷ đồng. Việc này theo tờ trình là phù hợp với sự phát triển của quy mô doanh nghiệp hiện nay, tương thích với điều kiện niêm yết hiện nay trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội để gắn chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng với niêm yết chứng khoán.
Băn khoăn được Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu lên là hiện nay 97% doanh nghiệp Việt Nam vẫn là nhỏ và siêu nhỏ, vốn chỉ bình quân 11 tỷ đồng mà nay nâng lên 30 tỷ thì có mâu thuẫn với chủ trương đến năm 2020 có 1 triêụ doanh nghiệp (vẫn chủ yếu là nhỏ và vừa) hay không?
Hồi âm băn khoăn này, ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định việc nâng lên mức như dự luật là cần thiết.
Vì quy định 10 tỷ là từ những năm xa lắm rồi, giờ vốn khác rất nhiều, lạm phát thay đổi, sắp tới tiếp tục hội nhập cần quy mô lớn hơn, chuyên gia quốc tế họ cũng nói quản lý bé quá không bõ, nên cần thiết có điều chỉnh, nâng lên là cần thiết, ông Bằng giải thích.
Về ý kiến toàn bộ dự thảo luật vẫn còn 39 khoản giao Chính phủ quy định chi tiết được ông Thanh nêu, ông Vũ Bằng cho rằng chứng khoán vẫn là lĩnh vực rất mới nên có đặc thù, rất khó đưa chi tiết vào luật.
Những băn khoăn của Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh còn liên quan đến quy định chào bán chứng khoán riêng lẻ của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, về thị trường giao dịch chứng khoán, thu hút đầu tư nước ngoài, quản trị công ty đại chúng ...và đặc biệt quan tâm là quy định về tính độc lập của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước.
Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải cũng cho rằng đây là vấn đề rất mới được đặt ra tại phiên họp.
Đã là độc lập thì phải ngang bộ
Hầu hết các ý kiến tại phiên họp đều quan tâm thảo luận về địa vị pháp lý của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và cho lần sửa đổi này là cơ hội để uỷ ban này ra "ở riêng".
Điều 8 dự thảo luật vẫn quy định Uỷ ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan thuộc Bộ Tài chính, trong khi đó nhiều ý kiến đều bày tỏ đồng thuận với quan điểm cơ quan này cần độc lập hơn, như Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đã gợi mở.
Việc thời kỳ đầu Uỷ ban Chứng khoán nhà nước trực thuộc Chính phủ nhưng một ngày đẹp trời Uỷ ban này bỗng về Bộ Tài chính, theo một số phân tích thì cũng có lý do nhất định. Nhưng, bây giờ hoàn cảnh đã khác và sửa luật chính là cơ hội để cơ quan này độc lập hơn.
Có thể ví Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là hai cơ quan tiêu tiền và quản lý tiền, như thế vừa làm trọng tài vừa đá banh, rất nguy hiểm, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu bình luận.
Theo TS. Phạm Giang Thu (Đại học Luật Hà Nội), vì là cơ quan thuộc bộ, không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước rất là chung chiêng.
Tại thời điểm này nếu giả định Uỷ ban này trong một vị thế độc lập liệu thì liệu có thể có một điều như Luật Ngân hàng Nhà nước khẳng định là cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ hay không?, phải thế thì mới ban hành văn bản quy phạm pháp luật được nếu không thì vẫn chung chiêng, mà quy định như thế thì phải sửa Luật Tổ chức Chính phủ, bà Thu phân tích.
Phát biểu sau đó, một số ý kiến đại biểu Quốc hội và chuyên gia cho rằng nếu cần độc lập thì cứ tách, chả có gì phải sợ dư luận phê là phình bộ máy, biên chế.
Không sợ phình ra, nếu có lợi thì tại sao không phình, đã là độc lập thì phải ngang bộ, phải mạnh dạn chứ, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế , đại biểu Nguyễn Văn Thân phát biểu.
Cũng liên quan đến Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, tại báo cáo thẩm định, Bộ Tư pháp cho rằng cần phân định, làm rõ hơn thẩm quyền của Ủy ban này trong quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, trong quan hệ giữa uỷ ban này với Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM.
Theo đó, cần quy định rõ trong Luật Chứng khoán nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trực tiếp quản lý, giám sát toàn diện hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động của sở giao dịch chứng khoán; chấp thuận các quy định, quy chế của các sở giao dịch chứng khoán; chấp thuận việc đưa vào giao dịch các loại chứng khoán mới, thay đổi và áp dụng phương thức giao dịch mới, đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định pháp luật... vì các nội dung này đã được quy định tại Quyết định số 48/2015/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Post a Comment