Đó là quan điểm của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, sáng 12/4.
Liên quan đến các hành vi bị cấm, báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật cho biết, qua thảo luận tại kỳ họp thứ sáu, một số ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc lại quy định cấm bán rượu, bia trên internet vì không khả thi, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế phát triển thương mại điện tử, tạo rào cản phát triển của các doanh nghiệp, làm mất quyền được thông tin của người tiêu dùng.
Một số ý kiến khác đề nghị cấm có điều kiện như quy định về độ tuổi được mua, nhất là đối với độ tuổi vị thành niên.
Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) cho rằng, internet là một giải pháp giúp hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như giúp người dân thực hiện hành vi mua sắm được đơn giản và thuận tiện hơn chỉ qua một số thao tác trên các thiết bị điện tử.
Do vậy, để đảm bảo được mục tiêu của luật là giảm tính sẵn có và tính dễ tiếp cận rượu, bia, đồng thời kế thừa quy định của pháp luật hiện hành về kinh doanh rượu, tiếp thu một phần ý kiến của đại biểu, dự thảo luật quy định cấm bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên mạng internet và quy định điều kiện bán rượu, bia dưới 15 độ cồn trên internet.
Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Sử dụng men, cồn thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và các nguyên liệu không bảo đảm chất lượng; cồn, men, nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm để sản xuất, pha chế rượu, bia.
2. Quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức.
3. Khuyến mại, tài trợ hoặc sử dụng rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên để khuyến mại, tài trợ dưới mọi hình thức.
4. Bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên mạng internet.
5. Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.
6. Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; nhập lậu rượu, bia.
7. Bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi, phụ nữ mang thai, người đã có biểu hiện say rượu, bia.
8. Cho người chưa đủ 18 tuổi sử dụng rượu, bia; ép buộc phụ nữ mang thai và người khác sử dụng rượu, bia.
9. Người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
10. Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng rượu, bia.
11. Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khoẻ.
12. Cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang và người lao động trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp uống rượu, bia ngay trước và trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa ca làm việc, trừ trường hợp thực hiện nghi lễ đối ngoại theo quy định của pháp luật.
Cho rằng bán rượu trên internet cũng chỉ là cách thức bán hàng, ông Hiển không đồng tình với giải thích là cấm để hạn chế tiếp cận như báo cáo giải trình.
Thời đại công nghệ thông tin này đừng đưa ra cái đó, người ta đang áp dụng công nghệ hiện đại thì anh lại cấm bán hàng trên internet, ông Hiển nêu quan điểm.
Theo Phó chủ tịch Hiển thì bán hàng trên internet khiến cho việc kiểm soát dễ dàng hơn, và nếu quy định là phải thanh toán không dùng tiền mặt thì kiểm soát được ngay.
Vẫn liên quan đến hành vi bị cấm, Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra cho biết có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm bán rượu từ 15 độ trở lên sau 22 giờ đến 8 giờ sáng ngày hôm sau; cấm bán rượu, bia trong một số ngày lễ.
Thường trực Ủy ban thẩm tra cho rằng, đây là những giải pháp hết sức mạnh mẽ và sẽ rất hiệu quả trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, quy định này dự kiến sẽ chưa có tính khả thi cao.
Post a Comment