Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) bổ sung quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam cho phạm nhân.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội một về dự kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Đây cũng là một trong ba dự án luật được xem xét tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra từ 4-5/4 tới đây, sau đó tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019).
Chỉ duy nhất một phạm nhân bỏ trốn
Tổ chức cho phạm nhân lao động là một trong các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật.
Tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, nhiều ý kiến tán thành bổ sung quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động và có thể tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam, đồng thời cần quy định chặt chẽ các điều kiện để đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam.
Một số ý kiến cho rằng, việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động, dễ xảy ra tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam và nguy cơ phạm nhân trốn.
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chính sách nhất quán của Nhà nước từ trước đến nay là: "đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội…".
Do đó, đối với người bị phạt tù thì lao động, học tập (bao gồm cả học nghề) là nghĩa vụ và là một trong những yêu cầu quan trọng của công tác giáo dục người chấp hành án phạt tù. Việc giam giữ tập trung phạm nhân với số lượng lớn trong một thời gian dài, nếu không tổ chức cho họ lao động thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nguy cơ mất an ninh, an toàn tại các trại giam.
Vì vậy, công tác tổ chức lao động cho phạm nhân vừa nhằm giáo dục cải tạo, dạy nghề, cải thiện chế độ ăn, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời cũng là biện pháp quản lý hiệu quả.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, hiện nay, cả nước có 54 trại giam do Bộ Công an quản lý, hầu hết đều được đóng tại các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, nhất là về giao thông. Phần lớn các trại giam tại khu vực miền Bắc và miền Trung có diện tích đất hạn chế, phân tán, thổ nhưỡng xấu, rất khó khăn trong việc phát triển sản xuất, dạy nghề cho phạm nhân.
Lao động trong các trại giam từ trước đến nay vẫn chủ yếu chỉ làm nông nghiệp mang tính "tự cấp, tự túc", năng suất, hiệu quả lao động và các khoản thu được để lập các quỹ theo quy định là thấp, Nhà nước vẫn phải đầu tư khoản ngân sách lớn cho các trại giam. Điều này đã hạn chế rất lớn tới các mục tiêu đặt ra trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân.
Theo báo cáo của Bộ Công an, để giải quyết tình trạng khó khăn nêu trên, thời gian qua, các trại giam đã liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân. Tại một số địa bàn có tình hình an ninh trật tự tốt và được chính quyền địa phương đồng ý, Bộ Công an đã tiến hành thí điểm, cho phép các trại giam được tổ chức "khu sản xuất" và được liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tổ chức các "điểm lao động" ngoài trại giam.
Tiêu chí để lựa chọn các phạm nhân ra ngoài lao động gồm: loại tội phạm, mức án, thời gian phải chấp hành hình phạt tù còn lại, nhân thân, thái độ chấp hành án, giới tính, sức khỏe... Trại giam chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn khu vực phạm nhân lao động. Tổng kết thực tiễn cho thấy, trong tổng số gần 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động chỉ có 1 phạm nhân bỏ trốn.
Đổi mới là cần thiết
Từ thực tiễn nêu trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc đổi mới công tác tổ chức lao động tại các trại giam theo đề nghị của Chính phủ, tạo điều kiện để phạm nhân có thể tham gia lao động phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cho phép của các trại giam là cần thiết.
Tiếp thu ý kiến đa số đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý điều 33 của dự thảo luật theo hướng bổ sung quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam cho phạm nhân theo nguyên tắc: trại giam chịu trách nhiệm bảo đảm về an ninh, trật tự và giám sát việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam.
Việc phối hợp tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam không đầu tư từ ngân sách nhà nước; không tổ chức khu sản xuất, điểm lao động trong khu vực đông dân cư và tại những địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự hoặc có thể ảnh hưởng xấu tới công tác quản lý phạm nhân.
Việc đưa phạm nhân ra lao động tại khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam phải có sự đồng ý của phạm nhân và phải bảo đảm các điều kiện cần thiết về an toàn, vệ sinh lao động.
Dự thảo luật mới nhất, điều 44 cũng bổ sung quy định: kết quả lao động được sử dụng để "chi trả một phần công lao động cho phạm nhân trong trường hợp phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức để tổ chức cho phạm nhân lao động. Phạm nhân được gửi số tiền được nhận theo quy định tại khoản 1 Điều này cho người thân hoặc gửi trại giam quản lý, được sử dụng theo quy định hoặc được nhận lại khi chấp hành xong án phạt tù".
Post a Comment