Làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở, không chỉ riêng với Kiên Giang mà với cả nước, là tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, vì sắp tới yêu cầu ngày càng cao, nhiệm vụ rất nặng nề, còn nhiều khó khăn, trăn trở.

Ngày 14/4, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Kiên Giang. Tại đây, ông được nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo tình hình kinh tế - xã hội với một số điểm nổi bật đáng chú ý.

Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2018 đạt hơn 62.300 tỷ đồng, gấp 1,23 lần so với năm 2015; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 7,13%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.664 USD năm 2015 lên 2.094 USD năm 2018….

Đến nay, Kiên Giang đã hoàn thành sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Kinh tế tư nhân phát triển mạnh, toàn tỉnh hiện có 8.770 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 1,23 lần so với năm 2015, với số vốn hơn 91.700 tỷ đồng. Kinh tế biển chiếm 73,82% GDP của tỉnh. Các ngành dịch vụ tăng trưởng bình quân 11%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng 17,61%/năm. Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút hơn 19 triệu lượt khách trong nước và hơn 1 triệu lượt khách quốc tế.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho hay, ông rất vui mừng được chứng kiến những đổi thay, phát triển của tỉnh trong thời gian qua. Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương cùng trao đổi, làm rõ những thành tựu nổi bật Kiên Giang đã đạt được; phân tích tiềm năng, thế mạnh và những định hướng phát triển nhằm đưa Kiên Giang tiếp tục phát triển nhanh, mạnh hơn nữa trong thời gian tới.    

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc mừng và hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Kiên Giang về những  thành tích, kết quả đã đạt được thời gian qua. Trong thời gian tới, Tổng bí thư, Chủ tịch nước mong muốn Kiên Giang tiếp tục phát huy toàn diện, mạnh mẽ, hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của một tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là tiềm năng về lúa, cá, du lịch…

"Kiên Giang phải chú trọng phát triển toàn diện; giữ vững quốc phòng an ninh, độc lập chủ quyền đất nước, quan hệ tốt với các địa phương của nước bạn có chung đường biên giới. Phải có tư duy chiến lược, quy hoạch tổng thể và quy hoạch trên từng lĩnh vực cụ thể, trên cơ sở đó có chính sách thu hút đầu tư…", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị đã kiến nghị Bộ Chính trị chỉ đạo sớm cho chủ trương thành lập thành phố Phú Quốc và có nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Phú Quốc; xem xét chấp thuận chủ trương thành lập huyện đảo Thổ Châu theo kiến nghị của tỉnh ủy Kiên Giang hồi tháng 4/2018.

Cùng với đó, tỉnh Kiên Giang kiến nghị Trung ương đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dự án đường hành lang ven biển giai đoạn 2 (đoạn Rạch Giá-Hà Tiên) và Quốc lộ 61 (đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhứt) để tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh kết nối với hạ tầng giao thông quốc gia và vùng đồng bằng sông Cửu Long…

Về các kiến nghị của Kiên Giang, Tổng bí thư, Chủ tịch nước ghi nhận và nêu rõ, cần có kế hoạch tổng thể, cân đối nguồn lực, tính toán từng bước đi cụ thể, chắn chắn.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top