Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc xác lập Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ là cần thiết, nhưng nhiều ý kiến tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghĩ khác.

Chiều 16/4 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Một vấn đề tuy Chính phủ không trình, song lại được quan tâm thảo luận, từ báo cáo thẩm tra sơ bộ của Uỷ ban Kinh tế, đó là địa vị pháp lý của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Nên có lộ trình

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói, Chính phủ vẫn đề nghị Uỷ  ban Chứng khoán trực thuộc Bộ Tài chính, Ủy ban Kinh tế đề nghị là độc lập.

"Tuy nhiên, vấn đề này cần cân nhắc. Chúng ta mong muốn Ngân hàng Nhà nước trở thành ngân hàng trung ương, ngân hàng phát hành độc lập nhưng cân đi cân lại rất nhiều năm nay, chúng ta chưa làm được việc đó. Ủy ban Chứng khoán độc lập thì phải có những điều kiện nhất định, chúng ta chưa thể theo một thông lệ như quốc tế được thì vấn đề cũng nên cân nhắc để Thường vụ Quốc hội cho ý kiến", ông Hiển nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Ban saon thảo cho biết hiện nay mô hình trên thế giới bao nhiêu nước trực thuộc Bộ Tài chính, bao nhiêu nước độc lập và ưu điểm của từng mô hình là như thế nào.

Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng trả lời, Ủy ban chứng khoán quốc tế có 128 nước thành viên thì có 7 thành viên có mô hình là Ủy ban chứng khoán trực thuộc Bộ tài chính, một số Ủy ban Chứng khoán thì trực thuộc Ngân hàng Trung ương, có một số nước thì tổ chức theo mô hình là hội đồng.

Bên cạnh Chủ tịch Ủy ban chứng khoán thì hội đồng thường là bộ trưởng của các bộ phụ trách về kinh tế, Thống đốc Ngân hàng Trung ương, Bộ Tài chính,… Đấy cũng là mô hình ban đầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước khi chuyển về Bộ Tài chính.

Ông Dũng cũng cho biết hiện nay có rất nhiều nước tổ chức theo mô hình Ủy ban Giám sát tài chính, tức là một Ủy ban thuộc Chính phủ nhưng phụ trách 3 lĩnh vực, bao gồm ngân hàng chứng khoán và bảo hiểm, và đây là mô hình tương đối phổ biến.

"Dù tổ chức ở dưới hình thức nào thì luật của các nước cũng bảo đảm cho cơ quan trực tiếp quản lý là Ủy ban Chứng khoán một quyền lực nhất định để tổ chức giám sát thị trường chứng khoán và theo bộ tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế, Ủy ban Chứng khoán các nước là IOSCO. Ủy ban Chứng khoán và ban soạn thảo khi trình lên Chính phủ để xin nguyên tắc đưa vào luật cũng đặt vấn đề là tăng thẩm quyền cho Ủy ban chứng khoán trực thuộc Bộ Tài chính", ông Dũng nói.

Đề cập đến loại ý kiến thứ hai tại báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế là Uỷ ban Chứng khoán nhà nước trước mắt có thể trực thuộc Bộ Tài chính, tuy nhiên cần có lộ trình rõ ràng để chuyển thành cơ quan độc lập thuộc Chính phủ trong tương lai, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng khi trình ra Quốc hội nên để cả hai loại ý kiến.

Theo Phó chủ tịch thì nên thận trọng, nên có lộ trình, có thể 10 năm sau tổng kết và tính tiếp. Còn "trong thời điểm này cố gắng tiếp cận với kinh tế thị trường, hội nhập nhưng phải có bước đi, có cách", bà Tòng Thị Phóng nói.

Không nặng nề trực thuộc ai

Cũng quan tâm đến địa vị pháp lý của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng nếu uỷ ban này có quyền theo chuẩn mực thông lệ chung của thế giới thì nó sẽ phát triển. Đừng nặng nề quá trực thuộc người này, trực thuộc người kia mà hãy thực sự có thẩm quyền để có độ tin cậy trong quan hệ quốc tế và thị trường, trong đó có nhà đầu tư trong nước, ngoài nước, đây là vấn đề cốt lõi, ông Giàu nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định bình luận, nếu nâng lên cơ quan thuộc Chính phủ thì đúng là nâng tầm cho Ủy ban Chứng khoán hoạt động và tạo điều kiện tốt hơn.

Ông Định cũng nêu một thực tế là có một số cơ quan thuộc Chính phủ khi chuyển về bộ, thì bộ máy hành chính, tổng hợp hành chính, quản trị, hậu cần, tổ chức, kế hoạch, tài vụ chuyển về các vụ của các bộ thành ra gần như lại cảm thấy là bị thuộc các vụ chứ không phải thuộc lãnh đạo Bộ. "Chứng khoán là mô hình gần như vậy, cho nên anh em lãnh đạo chứng khoán nhiều khi muốn trình Bộ trưởng cái gì đó là phải trình qua các vụ. Đây là một thực tế".

Nhưng, theo ông Định nếu đưa Uỷ ban Chứng khoán thuộc Chính phủ cũng không có tác dụng nhiều, vì cơ quan thuộc Chính phủ không có quyền ban hành văn bản quy phạm luật.

Vì thế theo ông Định thì luật sửa thế nào để công tác tổ chức công việc ở trong Bộ Tài chính có sự thay đổi để tạo điều kiện cho Ủy ban Chứng khoán làm việc cả về công tác tổ chức, cả về công tác chuyên môn, cả về công tác nghiệp vụ. Điều này sẽ tháo gỡ một cách trực tiếp hơn.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển gút lại: cơ bản các ý kiến tại Thường vụ nhất trí theo hướng tăng thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán và đảm bảo tính độc lập về mặt nghiệp vụ, nhưng vẫn trực thuộc Bộ Tài chính như Chính phủ trình.

"Chúng ta cũng phải cân nhắc rất nhiều vấn đề, lộ trình, bước đi, nền kinh tế của Việt Nam, tình hình tài chính Việt Nam, thể chế...Vấn đề này đã cân đi cân lại rất nhiều lần. Ủy ban Kinh tế thẩm tra có quyền độc lập, nhưng theo tôi thì chúng ta nên theo hướng này của Thường vụ là hợp lý nhất", ông Hiển nói.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top