Tâm lý "thích" tăng trưởng cao còn hiện hữu, trong khi đó, các nhóm chính sách để thúc đẩy tăng trưởng thực chất không có nhiều điểm mới so với các nhóm chính sách đã và đang được thực hiện.
Đó là nhận định được nêu tại báo cáo kinh tế vĩ mô do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và nhóm tư vấn của dự án Aus4reform thực hiện, vừa được công bố sáng 19/4.
Kết quả tăng trưởng GDP quý 1 đạt 6,79%, theo báo cáo thấp hơn tăng trưởng quý 1/2018 (7,45%) và kịch bản ban đầu của Chính phủ (6,93%). Dù vậy, con số 6,79% cao hơn cùng kỳ các năm 2009-2017.
Nhấn mạnh từ báo cáo là quý 1 năm nay là quý thứ 7 liên tiếp GDP vượt mức tiềm năng, và là quý thứ 8 liên tiếp tăng trưởng GDP vượt mức tiềm năng.
Đáng lưu ý, tốc độ tăng trưởng tiềm năng - thể hiện ở xu thế tăng trưởng GDP - vẫn tiếp tục suy giảm. Điều này có thể gây quan ngại về củng cố nền tảng kinh tế vi mô cho tăng trưởng bền vững trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu nhận định.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, cơ cấu GDP theo sử dụng cuối cùng trong quý 1/2019 có sự thay đổi nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng đều tăng chậm hơn so với cùng kỳ 2018, tương ứng ở mức 7,1% và 6,2%.
"Điều này có thể phản ánh việc cộng đồng doanh nghiệp và hộ gia đình ít nhiều lo ngại về những rủi ro kinh tế vĩ mô, đặc biệt là về lãi suất và khả năng tiếp cận tín dụng chính thức", báo cáo nêu nhận định.
Nhìn toàn diện, nhóm chuyên gia của CIEM cho rằng bối cảnh kinh tế trong nước thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như tâm lý "thích" tăng trưởng cao còn hiện hữu, trong khi đó, các nhóm chính sách để thúc đẩy tăng trưởng thực chất không có nhiều điểm mới so với các nhóm chính sách đã và đang được thực hiện.
Các tác giả báo cáo nhận định, giữ lạm phát thấp là một yêu cầu quan trọng, song cách làm và cả thông điệp vẫn thể hiện đậm chất "hành chính", do đó khó bền vững. Việc điều chỉnh các luật trong nước để thực hiện các FTA mới (trong đó có CPTPP) thiếu kịp thời, thiếu toàn diện, đôi khi còn thể hiện sự thụ động.
Khó khăn nữa là các hoạt động xúc tiến đầu tư ở các địa phương diễn ra với tần suất khá dày, song chưa có đánh giá về thực hiện cam kết đầu tư của doanh nghiệp. Nội dung và cách thức phối hợp giữa Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với các bộ, ngành chưa được cụ thể hóa.
Báo cáo đưa dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,88%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,02%. Thặng dư thương mại ở mức 3,1 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng trong năm là khoảng 3,71%.
Diễn biến kinh tế vĩ mô trong các quý còn lại, theo chuyên gia CIEM có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố bên ngoài. Thứ nhất, rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ đã gia tăng.. Thứ hai, căng thẳng thương mại ở khu vực khó hạ nhiệt. Căng thẳng và đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc còn diễn biến khó lường. Trung Quốc có thể nhượng bộ một số nội dung trong đàm phán, song kết quả đạt được khó có thể giúp đẩy lùi bất đồng giữa hai bên về chính sách thương mại. Mỹ cũng có thể gia tăng căng thẳng thương mại với các nền kinh tế khác (chẳng hạn, Nhật Bản).
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, dù kỳ vọng nhiều vào việc phê chuẩn EVFTA, Việt Nam cũng cần lưu ý rằng EU đang rất bận với chương trình nghị sự về thương mại (liên quan đến Brexit, đàm phán thương mại với Mỹ). Bản thân EU cũng đã phê chuẩn hiệp định FTA với Nhật Bản trong quý 1, nên nhu cầu phê chuẩn sớm một FTA khác có thể giảm bớt.
Ngoài ra, hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật hơn ở các thị trường nước ngoài, kể cả thị trường CPTPP. Bên cạnh đó thị trường tài chính quốc tế có thể còn phản ứng nhanh và quá mức trước những diễn biến bất lợi, đặc biệt liên quan đến các vấn đề địa chính trị...qua đó ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và dòng vốn vào/ra Việt Nam.
Nhìn từ bất định đối với tăng trưởng trong quý 1 và dự báo triển vọng kinh tế thế giới, Việt Nam sẽ gặp không ít thách thức trong các quý còn lại để đạt mục tiêu cả năm 2019 (6,8-7,0%), nhóm chuyên gia của CIEM nhận định.
Post a Comment