Sáng 27/6, các thí sinh vừa hoàn thành bài thi môn tổ hợp Khoa học xã hội với 3 môn thi là Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân, đồng thời kết thúc buổi thi cuối cùng của kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2019. Dự kiến, 17h00 chiều nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ họp báo thông tin về công tác coi thi của kỳ thi diễn ra trong những ngày vừa qua.

Đánh giá về đề thi môn tổ hợp Khoa học xã hội năm nay, thí sinh Nguyệt Tường (Trường THPT Marie Curie), cho rằng, đề thi môn Lịch sử năm nay khó hơn năm ngoái, do phân bổ quá nhiều kiến thức và không có phần nào trọng tâm. Nguyệt Tường nhận định điểm môn này của em không cao, song hy vọng điểm thi môn Lịch sử và Giáo dục công dân sẽ kéo lại vì đề thi được nhận định vừa sức hơn.  

Trong khi đó, Phương Anh, một thí sinh cũng đến từ trường THPT Marie Curie lại nhận xét đề thi Lịch sử năm nay vừa sức. Phương Anh chia sẻ, trong thời gian ôn tập, em học dàn trải, bao quát cả chương trình nên cảm nhận đề như vậy là bình thường. Về đề thi môn Địa lý, Phương Anh cho rằng dễ hơn năm ngoái, riêng đề thi môn Giáo dục công dân tuy có nhiều tình huống nhưng em nghĩ mình làm bài khá ổn.

Nhận xét riêng về đề thi môn Địa lí, thầy Vũ Hải Nam - giáo viên Tuyensinh247 cho biết, đề năm nay ở mức độ cơ bản nhưng vẫn đảm bảo độ phân hóa cao, phù hợp với mục tiêu của kì thi THPT guốc gia và xét tuyển đại học, sẽ có nhiều điểm 8, 9 nhưng "mưa" điểm 10 không nhiều.

Cụ thể, về phạm vi kiến thức, theo thầy Nam, nội dung đề thi phù với cấu trúc đề minh họa Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, gồm 40 câu trắc nghiệm, thuộc khối kiến thức lớp 11,12. Trong đó, trọng tâm là kiến thức lớp 12, tỉ lệ kiến thức lớp 12 và 11 tương ứng 90% - 10%.

Các câu hỏi được phân bổ đều ở các chuyên đề lớp 11 và 12, đảm bảo đủ 4 mức độ, được sắp xếp theo độ khó tăng dần từ nhận biết đến vận dụng cao. Về độ khó, đề thi đảm bảo 2 mức độ phù hợp với mục tiêu của kì thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học: 70% cơ bản + 30% nâng cao, vì vậy học sinh xét tuyển đại học không khó để đạt được điểm 9 với đề thi năm nay.

Phần nâng cao tập trung vào hai chuyên đề: Địa lí ngành kinh tế, Địa lí vùng kinh tế. Đặc biệt, những câu hỏi vận dụng cao đòi hỏi phải nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa, liên hệ thực tiễn và có tư duy tốt, phân tích mối liên hệ giữa các đối tượng địa lý mới có thể giải thích và tìm ra giải pháp phù hợp yêu cầu câu hỏi.

Thầy Nam đánh giá, đề thi năm nay không khó như đề thi năm 2018. Số câu hỏi dễ tăng lên, số câu vận dụng cao giảm đi, đồng thời có sự giảm về độ khó của các câu hỏi này so với đề thi 2018. Thay vì những câu hỏi khó và dễ gây tranh cãi, đánh đố như năm 2018, câu hỏi năm nay mang tính vận dụng cao, tập trung vào vốn hiểu biết thực tế và  khả năng suy luận của học sinh nhiều hơn.

"Học sinh đạt điểm trung bình khá dễ, học sinh khá giỏi có thể đạt điểm 9 trở lên, tuy nhiên để đạt được điểm 10 tuyệt đối môn Địa lý cần có sự đột phá cao", thầy Nam nhận xét.

Với những học sinh dự định lựa chọn môn Địa lý cho kỳ thi THPT quốc gia năm sau, thầy nam cũng lưu ý, đề thi môn này thường không có câu hỏi kiểm tra số liệu hay đi vào quá chi tiết, mà chủ yếu là kiểm tra đặc trưng của các đối tượng địa lí và mức độ thông hiểu của học sinh.

Do đó, để làm bài hiệu quả, các em cần có kế hoạch và phương pháp học cụ thể, học từ sớm vì khối lượng kiến thức lớn hơn nhiều, tránh lối học thuộc lòng, nhồi nhét kiến thức. 

Kĩ năng thực hành Địa lí có điểm số khá cao và dễ lấy điểm, học sinh nên chú trọng phần này. Cụ thể là rèn luyện kĩ năng sử dụng Atlat, nhận xét biểu đồ, bảng số liệu và nhận dạng biểu đồ. Không chỉ học qua sách vở, còn cần đối chiếu các kiến thức đã học với thực tế để ghi nhớ kiến thức lâu hơn.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top