"Các bạn đến đây làm ăn, thu tiền, trở lên giàu có thì các bạn cũng phải góp sức, góp phần cho đất nước này thịnh vượng hơn, ổn định và phát triển hơn. Việt Nam không chào đón các doanh nghiệp xuyên biên giới vào đây mà không tuân thủ luật pháp Việt Nam" - thông điệp được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tại buổi làm việc nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới, chiều 25/6, tại Hà Nội.

Buổi làm việc có sự tham gia đông đảo của đại diện các bộ ngành liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Quảng cáo; Cục A05, Cục A03 (Bộ Công an); cùng hàng chục doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo; doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo; các đối tác quản lý mạng lưới đa kênh; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông Internet và các đơn vị báo chí trong và ngoài nước.

Đứng đầu thế giới về sản xuất video xấu độc

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đầu năm 2017, Cục đã phát hiện tình trạng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, kể cả một số thương hiệu toàn cầu được gắn trong các video có nội dung xấu độc, phản động vi phạm pháp luật Việt Nam phát trên mạng xã hội Youtube thông qua dịch vụ quảng cáo của Google.

Khoảng một năm qua Youtube đã gỡ bỏ được khoảng 8.000 video xấu độc, vi phạm pháp luật, phát tán tin giả trên trang Youtube. Qua ra soát, Cục phát hiện khoảng 55.000 video clip có nội dung xấu độc vi phạm pháp luật, tất nhiên con số này theo ông Lâm đã là "lạc hậu" vì mỗi ngày mỗi giờ có hàng trăm nghìn clip được đưa lên. Đến ngày 25/6/2019, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử phát hiện có khoảng 100 nhãn hàng trong nước vi phạm quảng cáo trong các clip thông tin xấu độc.

"Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất video xấu để kiếm tiền. Trong khi đó, Youtube lại không có biện pháp xử lý người dùng đăng lại video đã để câu view, kiếm tiền. Nền tảng này vẫn cho phép bật tính năng gợi ý cho những kênh, clip xấu độc, khiến các nội dung xấu độc chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên YouTube (0,1%) nhưng lại bị phát tán, lan truyền rất mạnh mẽ trên không gian mạng", ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết.

Nguy hiểm hơn, do cơ chế kiểm duyệt của YouTube phụ thuộc vào hậu kiểm, dẫn đến người dùng dễ dàng đăng tải các clip vi phạm, trong khi quy trình thẩm định và gỡ bỏ clip vi phạm mất nhiều thời gian. Ngoài ra, Youtube cũng không có biện pháp ngăn chặn người dùng đăng lại những clip vi phạm đã bị bóc gỡ theo yêu cầu của cơ quan quản lý.

Theo ông Lâm, Youtube chia sẻ dòng tiền quảng cáo cho các đối tượng sản xuất clip xấu độc, phản động, điều này vô hình chung đã gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động chống phá nhà nước Việt Nam. "Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quảng cáo, là nguy cơ đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của các thương hiệu, doanh nghiệp. Việc tái diễn tình trạng này cho thấy các biện pháp khắc phục của Google không giải quyết được triệt để những vi phạm này, gây rủi ro các thương hiệu khi quảng cáo trên YouTube", ông Lâm cho biết.

Chưa có công cụ ngăn chặn hoàn toàn

Tại buổi làm việc, đại diện nhiều đơn vị quảng cáo, các nền tảng, công ty nội dung cho rằng, bản chất của vấn đề vẫn chính là Google/Youtube. Theo ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VNG, hiện một tỷ lệ lớn người làm nội dung hiện đang được trả tiền để khuyến khích sản xuất video đưa lên Youtube, trong khi đó chúng ta lại chưa có cơ chế để kiểm soát bất cứ nội dung gì.

Thực tế, theo ông Minh, bản thân VNG đã nhiều lần làm việc với Google ở cả góc độ đối tác và khách hàng, Google cũng có hứa hẹn nhưng bản chất vẫn vậy, vẫn chưa thay đổi được gì.

Đại diện Công ty TNHH Truyền thông WPP, đơn vị đại lý được xem có thị phần quảng cáo lớn nhất của Youtube tại Việt Nam cho biết, hoàn toàn tuân thủ và ủng hộ chính sách của Bộ. Tuy nhiên, vị đại diện của công ty này cũng thừa nhận mặc dù đã làm việc chặt chẽ với Google để có các phương pháp sàng lọc, ngăn chặn các clip xấu nhưng vẫn chưa có công cụ kiểm soát, ngăn chặn hoàn toàn các video có nội dung xấu độc trên Youtube.

"Chỉ khi nào có vụ việc xảy ra thì hãng mới làm việc với khách hàng để ngăn chặn, chấm dứt và loại bỏ các link, clip nhạy cảm", vị đại diện WPP cho biết.

Đại diện nhiều nhãn hàng cũng cho rằng, việc thương hiệu của công ty bị gắn trên các clip xấu độc, nhạy cảm đã tác động rất lớn đến uy tín, thương hiệu của công ty. Nhiều doanh nghiệp khi phát hiện hoặc mới đây là nhận được văn bản của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã ngay lập tức dừng các hoạt động quảng cáo trên Youtube, sau đó đã rà soát và yêu các đơn vị quảng cáo chỉ khi nào làm sạch được tất cả clip quảng cáo trên Youtube thì mới tiếp tục quảng cáo.

Quy định chế tài xử lý người "xả rác"

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các nền tảng xuyên biên giới kiếm càng được nhiều tiền, người dùng càng nhiều thì trách nhiệm phải càng lớn hơn. "Một doanh nghiệp muốn thịnh vượng lâu dài thì phải song hành với sự thịnh vượng của xã hội và đất nước. Không thể có chuyện doanh nghiệp thì thịnh vượng còn đất nước thì lụn bại đi", ông nói.

Cũng theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp, dù là trong nước hay nước ngoài, đều phải tuân thủ luật pháp, thượng tôn pháp luật của nước sở tại. Đến đâu kinh doanh thì phải làm cho đất nước đó thịnh vượng, hoà bình. Thượng tôn pháp luật là điều kiện tiên quyết của bất kỳ doanh nghiệp tử tế nào. Doanh nghiệp mà muốn đi xa thì phải tử tế.

Người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông cho rằng, các nền tảng xuyên biên giới đã chi rất nhiều tiền để làm ra các thuật toán đọc nội dung của khách hàng, hiểu rất sâu khách hàng, nhưng đầu tư không đáng kể vào các thuật toán ngăn chặn các nội dung xấu, độc. "Do vậy, các đơn vị này nắm trong tay công nghệ thì nhất định sẽ giải quyết được việc ngăn chặn những nội dung xấu, độc nói trên", ông nói.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu các doanh nghiệp xuyên biên giới tuân thủ luật pháp. Ông cũng nêu những biện pháp sẽ thực hiện để làm sạch không gian mạng đối với người dùng Việt Nam, theo đó cơ quan quản lý sẽ xây dựng khung pháp luật trong đó quy định chế tài để xử lý người "xả rác", làm ra các nội dung xấu độc.

Theo ông, để quét rác thì mỗi người không xả rác, quyét rác nhà mình, pháp luật phải có qui định xử lý người xả rác, làm ra các nội dung xấu độc. Thứ hai doanh nghiệp nền tảng phải có công cụ quét rác, đây là trách nhiệm rất quan trọng của doanh nghiệp, không được chối cãi, giống như chủ chợ thì phải quét rác. Và thứ ba là chính quyền phát hiện phần còn lại và yêu cầu giữ bỏ. Phần chính sẽ là do người dùng và nhà mạng, 95-99% phải được dọn dẹp bởi hai đối tượng này. Chính quyền chỉ làm phần nhỏ còn lại.

"Tương lai, số phận đất nước, tương lai con cháu chúng ta thì không thể chỉ trông mong vào sự tốt bụng của một doanh nghiệp hoặc một ai đó, mà phải do chúng ta quyết định", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top