Micron Technology, nhà sản xuất chip nhớ máy tính lớn nhất của Mỹ, ngày 25/6 tuyên bố nối lại một phần hoạt động cung cấp cho hãng công nghệ Trung Quốc Huawei.

Theo hãng tin Bloomberg, tuyên bố này cho thấy Micron có vẻ như đã tìm được cách "né" lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với Huawei.

Tháng trước, Chính phủ Mỹ đưa Huawei vào một bản "danh sách đen", theo đó cấm hãng này mua linh kiện và công nghệ Mỹ - một lệnh cấm đe dọa sự tăng trưởng của ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ.

Giải thích về việc nối lại cung cấp cho Huawei, Micron cho biết hãng đã nghiên cứu lệnh hạn chế xuất khẩu mà Washington đặt ra đối với "gã khổng lồ" Trung Quốc và nhận thấy một số sản phẩm mà hãng bán cho Huawei không nằm trong diện bị cấm.

Giá cổ phiếu Micron tăng tới 11% trong phiên giao dịch ngoài giờ sau khi thông tin trên được công bố. Công ty cho biết đã cung cấp trở lại cho Huawei trong 2 tuần qua, nhưng không cho biết cụ thể hơn.

Trước khi nối lại một phần hoạt động cung cấp cho Huawei, Micron đã phải dừng toàn bộ hoạt động này do lệnh cấm của chính quyền ông Trump. Huawei là một trong những khách hàng lớn nhất của Micron, chiếm khoảng 13% doanh thu hàng năm của công ty này, theo dữ liệu của Bloomberg.

Micron là công ty chip Mỹ đầu tiên công khai việc tiếp tục hợp tác ở mức độ nhất định với Huawei sau lệnh cấm của Mỹ - theo nhà phân tích Steven Fox của Cross Research. Theo ông Fox, nhiều công ty dù đặt trụ sở ở Mỹ, nhưng vẫn có thể phân loại công nghệ mà họ bán cho Huawei là công nghệ nước ngoài, thông qua quyền sở hữu chi nhánh và hoạt động ở các quốc gia khác.

"Đây là một trong những thứ rất khó tính toán", ông Fox nói. "Hoạt động cung cấp (cho Huawei) có thể vẫn tiếp tục, không chỉ từ Micron, và còn ở các công ty khác trong chuỗi cung ứng", ông Fox nói.

Nhà phân tích Kevin Cassidy thuộc Stifel Nicolaus cũng cho rằng Micron và các công ty Mỹ khác có thể một tận dụng một "lỗ hổng" trong lệnh cấm của Mỹ đối với Huawei. Đó là quy định nếu dưới 25% công nghệ trong một con chip xuất phát từ một quốc gia ngoài Mỹ, thì con chip đó không nằm trong diện bị cấm bán cho Huawei. Quy định này có thể được các nhà cung cấp "tranh thủ" bằng cách chuyển giao bằng sáng chế sang cho các thực thể ở nước ngoài để giảm bớt hàm lượng công nghệ Mỹ trong sản phẩm.

Theo ông Cassidy, chính quyền ông Trump có thể xem việc Micron nối lại một phần hoạt động cung cấp cho Huawei là hành động cản trở mục tiêu của Washington về gây áp lực lên Bắc Kinh trong cuộc đàm phán thương mại song phương. Trong trường hợp đó, Chính phủ Mỹ có thể đặt ra những biện pháp cấm mới.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top