Ngày 28/6, Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại thành phố Osaka, Nhật Bản, với sự tham gia của các nguyên thủ, lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự sự kiện với tư cách là khách mời danh dự của nước chủ nhà.

Theo chương trình, ngày đầu tiên hội nghị diễn ra 2 phiên thảo luận với chủ đề: Kinh tế toàn cầu, thương mại và đầu tư, Đổi mới và sáng tạo. Ngày mai 29/6, trong phiên họp thứ 3 và thứ 4, Hội nghị sẽ thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững và biến đổi khí hậu, năng lượng. Ngoài ra, Hội nghị cũng sẽ có những phiên thảo luận bên lề về một số vấn đề khác như kinh tế số, phụ nữ...

Chiều 28/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo cấp cao các nước đã tham dự phiên thảo luận chuyên đề về kinh tế số do Thủ tướng Nhật Bản Abe chủ trì. Tại phiên thảo luận này, lãnh đạo các nước tham dự đã thông qua Tuyên bố Osaka về kinh tế số; nhấn mạnh tiềm năng to lớn và tầm quan trọng của kinh tế số; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số, tranh thủ tối đa lợi ích của kinh tế số và các công nghệ mới nổi, đồng thời bảo đảm an ninh, an toàn trong kinh tế số.

Tại phiên họp chính thức đầu tiên của Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các nhà lãnh đạo thảo luận tình hình, triển vọng kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu. Các nhà lãnh đạo đánh giá kinh tế thế giới cơ bản ổn định, song tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro; khẳng định tiếp tục sử dụng, phối hợp các công cụ chính sách để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cân bằng và bao trùm, củng cố lòng tin, ngăn ngừa rủi ro bất ổn…

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại trên thế giới đang diễn biến phức tạp, lãnh đạo nhiều nước đề cao hợp tác quốc tế, kêu gọi chống chủ nghĩa bảo hộ, thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại và đầu tư, thúc đẩy cải cách WTO, duy trì và củng cố hệ thống thương mại đa phương; tăng cường hợp tác huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu…

Phát biểu tại phiên họp về đổi mới sáng tạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam xác định kinh tế số là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sẽ ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia vào cuối năm 2019.

Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo về lưu chuyển tự do dữ liệu đi đôi với bảo đảm sự tin cậy; đề nghị cần có khuôn khổ pháp luật, quy tắc toàn cầu về lưu chuyển và quản trị dữ liệu. 

Thủ tướng khẳng định Việt Nam và các nước ASEAN sẵn sàng hợp tác với các nước G20 khuyến khích đổi mới sáng tạo, tranh thủ tối đa lợi ích của kinh tế số, song vẫn bảo đảm tôn trọng luật pháp quốc tế và nội luật quốc gia.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng hoan nghênh cách tiếp cận của các nước G20 về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) lấy con người làm trung tâm; nhấn mạnh sáng tạo công nghệ mới trước hết phải vì con người và gìn giữ các giá trị đạo đức nhân văn tốt đẹp.

Thủ tướng đã nêu sáng kiến về thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo, trong đó có các các trung tâm nghiên cứu-phát triển trí tuệ nhân tạo, để thúc đẩy chia sẻ tri thức, công nghệ mới, hỗ trợ các nước đang phát triển tranh thủ các cơ hội từ đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau và thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Cũng trong ngày 28/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp và trao đổi song phương với: Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Thủ tướng Canada Justin Trudeau; Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ tiếp tục các phiên thảo luận quan trọng vào ngày 29/6 về phát phát triển bền vững, việc làm, phụ nữ, y tế, môi trường, năng lượng, biến đổi khí hậu…

Đây là lần thứ tư Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 với tư cách khách mời danh dự của nước chủ nhà. Tại các hội nghị trước đó, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp có trách nhiệm, đề xuất và thúc đẩy một số vấn đề được các nước đang phát triển, đặc biệt là ASEAN quan tâm.

Nhiều ý kiến đóng góp của Việt Nam được G20 ghi nhận trong các tuyên bố chung như đề cao hợp tác quốc tế trong xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu, phát triển bao trùm và bền vững, nông nghiệp và an ninh nguồn nước, việc làm trong nền kinh tế số… 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top