Đánh giá kỳ họp thứ 7 của Quốc hội bế mạc giữa tháng 6 vừa qua, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhắc đến "bệnh trầm kha" là số đại biểu vắng mặt quá đông.

Sáng 16/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành tổng kết kỳ họp thứ 7 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.

Đổi mới của nội dung này là bên cạnh báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội, Chính phủ có báo cáo về công tác chỉ đạo chuẩn bị kỳ họp thứ 7 về nội dung, tài liệu, giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo đảm an ninh, an toàn kỳ họp,....những vấn đề cần rút kinh nghiệm hoặc kiến nghị cho việc chuẩn bị các kỳ họp sau của Quốc hội.

Uỷ ban Trung ương mặt trận Tổ quốc cũng có báo cáo về công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ bảy của Quốc hội.

Báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, nội dung kỳ họp nhìn chung đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, bảo đảm chất lượng, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, giảm đáng kể việc đóng dấu mật một số tài liệu không thực sự cần thiết.

Không khí thảo luận tại kỳ họp sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ, hình thức tranh luận tiếp tục phát huy hiệu quả, đặc biệt là tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đại biểu Quốc hội đã tích cực tham gia phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, phong phú, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, không né tránh, theo đuổi đến cùng những vấn đề mà cử tri và dư luận quan tâm.

Công tác điều hành linh hoạt, sáng tạo, có sự bao quát toàn diện, bảo đảm đại diện các đoàn được phát biểu ý kiến, tranh luận, tạo được không khí sôi nổi nhưng vẫn bảo đảm tính nghiêm túc, kỷ luật, hiệu quả.

Đều đồng tình là kỳ họp thành công, song vẫn còn một số vấn đề, theo một số vị uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần phải rút kinh nghiệm.

Nêu thực tế là số đại biểu vắng mặt tại một số phiên họp quá đông, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho rằng, đại biểu do dân bầu lên, ngân sách lại tốn tiền tổ chức kỳ họp, đại biểu vắng mặt phải có lý do rõ ràng.

Khi lấy ý kiến những vấn đề lớn, 484 đại biểu mà có nội dung chưa đến 300 đại biểu thể hiện chính kiến, trong khi đây là những ý kiến tham khảo rất quyết định, ông Giàu phát biểu.

Đồng ý với nhận xét của Chủ nhiệm Giàu, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phản ánh, có những đoàn một buổi vắng mặt 13 đại biểu, có thể vắng 1-2 người chứ vắng nhiều như vậy là không nghiêm túc.

Nhắc đến những phiên biểu quyết mà có đến 70-80 đại biểu vắng mặt, bà Nga cho rằng cần chấn chỉnh "căn bệnh trầm kha" vắng họp quá đông như ông Giàu đã nêu.

Chủ nhiệm Nga cũng nêu một căn bệnh trầm kha khác là tài liệu kỳ họp được gửi đến quá muộn, dẫn đến cơ quan chuyên môn thẩm tra muộn, gửi đến tay đại biểu muộn.

Vẫn theo bà Nga thì đời sống của một số đạo luật quá ngắn một phần do tổng kết thực tiễn, tổng kết thi hành luật không kỹ, võ đoán. Khâu này theo bà Nga cần phải được làm kỹ hơn.

Khẳng định là kỳ họp thứ 7 đại biểu vắng mặt rất nhiều, nhiều nhất trong tất cả các kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, chưa bao giờ đại biểu đi nước ngoài nhiều thế, cả Chính phủ, cả Quốc hội. Không ngày nào vắng dưới 30 người, có ngày vắng 100 người, có đoàn vắng 50% số đại biểu, 7 người vắng 4, vắng ngay cả trong ngày biểu quyết, Chủ tịch nhấn mạnh và cho rằng cần rút kinh nghiệm.

Nhìn tổng thể, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu băn khoăn nếu cứ rút kinh nghiệm chung chung như mọi kỳ thì sau đó sẽ thu được gì để kỳ sau tốt hơn.

Cách nói ở báo cáo vẫn hồng quá, lạc quan quá, tình hình xã hội bao nhiêu chuyện đang rất nóng mà báo cáo thì êm ả, lạc quan quá, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu nhận xét.

Theo ông Lưu thì báo cáo tổng kết kỳ họp cần đánh giá kỳ họp qua đã có những đóng góp vào mọi mặt của đất nước những gì nổi bật hơn những kỳ trước. Và, cách thảo luận về tình hình kinh tế -  xã hội vẫn cần tiếp tục đổi mới. Cả Chính phủ và Quốc hội phải tập trung vào một sốvấn đề đang vướng mắc, để Quốc hội thảo luận sâu và có giải pháp.

Phó chủ tịch Uông Chu Lưu băn khoăn khi mà ở cơ quan quyền lực cao nhất nhưng "ta cứ nói trơn tru" trong khi cuộc sống đang có những vấn đề nóng bỏng.

Về kiểm soát quyền lực, ông Lưu nhìn nhận, Uỷ ban kiểm tra Trung ương nêu bao nhiêu chuyện như vậy, giám sát của Quốc hội cũng cần có tác động, phải đánh giá thế nào đó, để cử tri thấy Quốc hội chuyển mình, nói tiếng nói của dân.

Liên quan đến công tác lập pháp, ông Lưu cho rằng có những luật sửa những vấn đề không bức xúc lắm, trong đó có những vấn đề như đầu tư công - tư, sửa Luật Đất đai nóng bỏng như thế Chính phủ vẫn xin lùi, Quốc hội quyết đưa vào 2020. Phải đi vào cái gì cuộc sống đòi hỏi, đi vào thực chất, ông Lưu nhấn mạnh.

Nhìn vào những báo cáo được trình bày tại phiên họp này, cơ bản là màu hồng, nhưng vẫn có một số hạn chế, ông Lưu đặt vấn đề, vậy địa chỉ cụ thể của những hạn chế này là ai?

Có những hôm tôi chủ trì tiếp thu chỉnh lý dự án luật mà không có thứ trưởng nào đến dự cả, ai cũng nói bận đi họp, phải có địa chỉ rõ ràng đừng nói chung chung nữa, cứ nói thế này thì sau đó lại đâu vào đấy cả, cuối năm lại lặp lại khiếm khuyết thế này, ông Lưu phát biểu.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top