Việt Nam là nước ASEAN duy nhất có quan hệ đối tác chiến lược/toàn diện với 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ nhóm G7 và 16/20 nước G20. 

Đây đều là các đối tác thương mại, đầu tư lớn nhất của Việt Nam, chỉ tính riêng 5 nước Hội đồng Bảo an và G7, chiếm gần 27% tổng vốn đầu tư FDI; chiếm 50% tổng kim ngạch thương mại 2017 và đang có mức tăng bình quân 10-12%/năm. Việt Nam đang thực thi 11 FTA có hiệu lực và tới đây là EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU). 

Cùng với đó, tiếp tục đàm phán 4 FTA khác. 16 FTA này đều là cơ sở, là nền tảng quan trọng để nhiều hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận ưu đãi cao với 59 thị trường đối tác; tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư FDI và tạo việc làm, phát triển kinh tế...

Sau gần thập kỷ đàm phán, với quá nhiều phút giây nghẹt thở vì "gay cấn" và thậm chí có lúc tưởng như đã đứng bên bờ vực của đổ vỡ, cuối cùng, EVFTA đã đến đích...

"Đèn xanh" cho EVFTA chính thức được bật để hiệp định này tiến thẳng vào Nghị viện châu Âu đúng dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công du châu Âu mùa thu năm ngoái. Nhưng ngay cả khi "đèn xanh" đã bật, thì vẫn có các luồng dư luận cả trong nước và quốc tế cho rằng tương lai ký kết hiệp định này còn ở một chân trời xa thẳm, khó đoán định.

Dốc toàn lực cho chặng đua cuối

EU là liên minh của 28 nước, thủ tục nội bộ, pháp lý để ký các điều ước quốc tế không thể nhanh và đơn giản như đối với một quốc gia. Ủy ban châu Âu, với 28 Cao ủy, phải thông qua và trình hiệp định lên Hội đồng EU. EU phải dịch ra ngôn ngữ của 28 nước thành viên, phải rà soát các văn bản dịch để bảo đảm không có xung đột pháp lý - ngôn ngữ giữa các văn bản. 

Cùng với đó, đây cũng là thời điểm EU dành ưu tiên cao nhất cho việc tập trung hoàn thành gấp các thủ tục nội bộ đối với Thỏa thuận Brexit (về việc Anh rời EU) với nhiều biến động ngoài dự kiến; đây còn là lúc cuối nhiệm kỳ 2014 - 2019, có trên 30 văn bản phải kết thúc thủ tục nội bộ để Nghị viện châu Âu thông qua trước kỳ bầu cử tháng 5/2019...

Đón trước những khó khăn này, một năm qua, Việt Nam đã dốc toàn lực vận động EU đẩy nhanh các thủ tục nội bộ đối với 2 hiệp định: Hiệp định Thương mại tự do và Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU. Công tác vận động được tiến hành đồng bộ tại Hà Nội, tại Thủ đô các nước thành viên EU, tại các hội nghị quốc tế, ở tất cả các cấp, đặc biệt là các cuộc gặp gỡ cấp cao.

Tháng 10/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thăm chính thức tới Cộng hòa Áo, Vương quốc Bỉ, Vương quốc Đan Mạch và Liên minh châu Âu, với nội dung nổi bật xuyên suốt là việc hai bên cùng nỗ lực thúc đẩy sớm ký kết, phê chuẩn và thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA), hiện thực hóa những cơ hội to lớn mà hiệp định này mang lại cho cả hai bên. 

Ngay trong chuyến thăm này của Thủ tướng, Ủy ban châu Âu đã thông qua quyết định trình EVFTA lên Hội đồng châu Âu xem xét chấp thuận ký chính thức là một quyết định kịp thời, đáp ứng yêu cầu hiện nay và lợi ích của hai bên. Công tác dịch từ tiếng Anh ra ngôn ngữ 28 nước EU kết thúc tháng 12/2018.

Tại chặng đường cuối cùng, vào tháng 4/2019, nối vào chuyến công du tới châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Romania và Cộng hòa Czech, hai quốc gia thành viên của EU, trong đó, Romania đang là Chủ tịch luân phiên EU.

Làm tất cả những gì có thể

Ở vị thế của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Quốc hội Việt Nam sẵn sàng đón Ủy ban Thương mại quốc tế và các cơ quan của EP sang làm việc, đối thoại để rút ngắn khoảng cách của sự khác biệt và đi đến nhận thức chung. Mọi vấn đề cụ thể, việc lớn, việc nhỏ nếu còn có quan điểm khác nhau thì Việt Nam cũng sẵn sàng cung cấp thông tin và đối thoại. Nếu thuộc phạm vi của Quốc hội, trong xây dựng pháp luật thì Quốc hội Việt Nam sẵn sàng đối thoại, còn nếu thuộc phạm vi của các cơ quan thực thi pháp luật thì Quốc hội Việt Nam cũng sẽ giám sát và có trả lời cụ thể. 

Việt Nam đã trao đổi thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng với các cơ quan của EU về các vấn đề mà EU quan tâm và đang triển khai nhiều hoạt động cụ thể như Quốc hội sẽ xem xét, sửa đổi Bộ luật Lao động ngay trong Kỳ họp tháng 5; các cơ quan của Việt Nam đã có các phiên đối thoại với EU về vấn đề nhân quyền; triển khai hàng loạt biện pháp chống các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý...

Trong hàng loạt các cuộc tiếp xúc, làm việc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với lãnh đạo Chủ tịch Hạ viện, Thượng viện Pháp, Bỉ, Chủ tịch EP, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của EP, Chủ tịch Ủy ban châu Âu..., các nhà lãnh đạo đều khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Việt Nam. 

Chủ tịch EP Antonio Tajani chia sẻ, ông đã làm tất cả những gì có thể để việc phê chuẩn và ký kết. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), ông Jean - Claude Juncker nói rằng, cá nhân ông luôn yêu mến Việt Nam. Khi còn trẻ, lần đầu tiên ông xuống đường biểu tình chính là để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thấu hiểu việc Việt Nam đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của chiến tranh nên Chủ tịch EC đánh giá rất cao hành trình xây dựng và phát triển đất nước đầy ấn tượng của Việt Nam trong những năm qua...

Còn tại các cuộc tiếp xúc với Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện Romania, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chân thành cảm ơn sự ủng hộ Romania trong thúc đẩy tiến trình ký kết EVFTA và IPA. 

Đáp lại sự chân thành của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, là sự nồng hậu của các lãnh đạo Romania với khẳng định về quyết tâm trong vai trò Chủ tịch luân phiên EU sáu tháng đầu năm 2019, Romania sẽ hết sức nỗ lực để EVFTA sớm được ký kết và đi vào thực hiện. Đồng thời, Romania coi EVFTA sẽ là nhân tố nền tảng và động lực mới thúc đẩy tăng trưởng thương mại, đầu tư cũng như hợp tác trong nhiều lĩnh vực với Việt Nam, cũng như Việt Nam với các nước trong EU.

Tổng thống Klaus Iohannis nói: "Bằng mọi nỗ lực thúc đẩy EVFTA cũng như IPA được ký trong thời gian Romania đảm đương vai trò Chủ tịch luân phiên EU". Thủ tướng Viorica Dancila bày tỏ, Romania sẽ làm hết sức mình và tiến hành các bước đi cần thiết để thúc đẩy công việc này. 

Chủ tịch Hạ viện Romania Liviu Dragnea cam kết, Hạ viện Romania hoàn toàn ủng hộ EVFTA và IPA sớm được ký kết ngay trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của Romania. Chủ tịch Thượng viện Romania Călin Popescu Tăriceanu nêu rõ, Romania tích cực ủng hộ EVTFA cũng như IPA và đang thúc đẩy quá trình rà soát ngôn ngữ pháp lý để hiệp định sớm được ký kết...

Tất cả cùng thắng

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, hội nhập kinh tế quốc tế thể hiện rõ tâm thế chủ động, tích cực, sáng tạo của Việt Nam. Giữa bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang nổi lên, con thuyền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng tiến ra biển lớn. 

Để có được tâm thế vững vàng tiến bước, trước tiên phải kể đến là nhận thức về hội nhập quốc tế của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân ngày càng sâu sắc hơn và có những bước tiến vượt bậc. 

Theo đó, tất cả đều nhận thức rõ, hội nhập luôn gắn liền với quá trình đổi mới, phát triển đất nước trên cả ba trụ cột: chính trị-đối ngoại, kinh tế, văn hóa-xã hội. Từ chỗ là thành viên nỗ lực phấn đấu làm tốt nhiệm vụ của mình, Việt Nam đã tiến đến chủ động tham gia, tích cực đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương.

EVFTA là sự kết tinh của tinh thần chung như vậy. Nó còn phản ánh trong đó những nỗ lực cao độ của các lãnh đạo cao nhất Việt Nam, đặc biệt là trong thời điểm nước rút, với lịch làm việc dầy đặc và hành trình vất vả với hàng chục giờ bay xuyên ngày đêm, không quản ngại nhọc nhằn để mang về lợi ích chung cho cả nền kinh tế nước nhà, trong đó, cơ hội hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này là cộng đồng doanh nghiệp.

Là một phép thử thực sự dành cho Việt Nam, đặc biệt là trước tham vọng của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, EVFTA là FTA thế hệ mới đầu tiên Liên minh châu Âu ký với một quốc gia có mức thu nhập trung bình và có chương về thương mại và phát triển bền vững mà ở đó Việt Nam thể hiện nhiều cam kết tham vọng nhất. Các lãnh đạo đất nước trong các chuyên công du châu Âu, đều đã thành công khi chứng minh cho bạn bè quốc tế tin vào khát vọng, năng lực của Việt Nam.

Từ trái tim đi đến trái tim

Thực tế đã chứng minh, những tình cảm nồng ấm từ trái tim sẽ đi đến trái tim, đáp lại sự chân thành của lãnh đạo Việt Nam, lãnh đạo các nước EU không nói suông, hứa suông.

Ngày 25/6/2019, tại cuộc họp Hội đồng, các nước EU đã chính thức thông qua cả 2 hiệp định này. Ngày 30/6/2019, tại Hà Nội, diễn ra lễ ký EVFTA và EVIPA giữa Ủy ban châu Âu và Chính phủ Việt Nam. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên gay gắt, EVFTA  như một ngôi sao tỏa sáng trên bầu trời thế giới về tự do giao thương, hòa bình, hợp tác cùng đi tới thịnh vượng.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top