Năm 2018, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã cấp giấy phép phê duyệt kịch bản cho 175 game online phát hành tại Việt Nam, trong đó có 95% game được sản xuất tại Trung Quốc, con số giấy phép này cao hơn 20% so với số game được cấp phép năm 2017.
Thông tin được Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử công bố trong cuộc làm việc với 10 doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử theo hình thức xuyên biên giới vào Việt Nam, chiều 16/7. Các doanh nghiệp này đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore, đã cung cấp một số game tiếng Việt, thanh toán tiền qua App Store, Google Play Store.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, cho biết, một số trò chơi điện tử phát hành xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam thông qua App Store và Google Play Store vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.
Đó là các game có yếu tố cờ bạc, đổi thưởng; game có nội dung bạo lực, hình ảnh hở hang, dung tục, vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam; game xuyên tạc và vi phạm lịch sử của Việt Nam; game dù không có nội dung vi phạm nhưng lại phát hành không phép.
Theo ông Lê Quang Tự Do, sau khi xác định các game vi phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và sẽ thực hiện các biện pháp xóa, chặn ứng dụng game khỏi Google Play Store, App Store, đồng thời thực hiện các biện pháp chặn dòng tiền thanh toán cho game. Ngoài ra, đến nay, Bộ đã thiết lập cơ chế phối hợp với Google, Apple và Facebook trong việc chặn, gỡ hoặc dừng quảng cáo cho các game không phép phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng cộng đã có 142 game vi phạm phát hành không phép vào thị trường Việt Nam, trong đó có 104 game cờ bạc đổi thưởng, 38 game có nội dung bạo lực, đã bị gỡ bỏ.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, cũng nhấn mạnh với đại diện các doanh nghiệp cung cấp các trò chơi điện tử xuyên biên giới về các quy định của Việt Nam cấm việc cung cấp game cờ bạc, game cung cấp vào thị trường Việt Nam là phải được cấp phép và kiên quyết không chấp nhận game phát hành xuyên biên giới, thu tiền tại Việt Nam mà không được cấp phép.
Theo ông Tự Do, các doanh nghiệp game nước ngoài muốn hoạt động tại Việt Nam phải hợp tác với một doanh nghiệp ở Việt Nam để được cấp phép hoạt động theo quy định. Ông Tự Do cũng cho biết vừa qua có một số game đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam có những biểu hiện vi phạm pháp luật Việt Nam, do đó cơ quan chức năng phải thực hiện biện pháp ngăn chặn.
Post a Comment