Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã khẳng định, Hải Phòng là thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng và là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. 

Phấn đấu đến năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao... 

Nhân hội nghị: "Phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng - nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng", Thời báo Kinh tế Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND Tp.Hải Phòng xung quanh lộ trình hiện thực hóa mục tiêu, Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế.

Ngành logistics có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của Hải Phòng, vậy đâu là những điều kiện, nền tảng để Hải Phòng trở thành trung tâm logistics của cả nước, thưa ông?

Hải Phòng đã được Trung ương xác định là cửa ngõ của khu vực phía Bắc và cả nước, thông thương với các nước trong khu vực và thế giới. Hàng năm, lưu lượng hàng hóa thông qua đây luôn tăng trưởng ở mức cao, năm 2018, sản lượng hàng hoá thông qua cảng biển Hải Phòng ước đạt 109 triệu tấn (tăng 18,44%). 

Trong giai đoạn 2011-2017, tốc độ tăng trưởng của logistics ước đạt 18%÷23%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 10%÷15%.

Bên cạnh lợi thế về địa kinh tế, địa chính trị thì Hải Phòng còn có hệ thống hạ tầng giao thông được kết nối liên hoàn và khá đồng bộ như Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi được kết nối thuận tiện với đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, với hệ thống đường sắt quốc gia và với hệ thống giao thông đường thủy nội địa; cùng với đó là hệ thống dịch vụ hậu cần sau cảng được đầu tư khá bài bản như bãi container, kho ngoại quan, kho CFS và lực lượng các loại hình vận tải đa phương thức rất phong phú.

Theo quy hoạch phát triển Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến năm 2020, Hải Phòng được xác định là đầu mối giao thông quan trọng kết nối với các tỉnh phía Bắc Việt Nam và Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc); một trọng điểm phát triển kinh tế biển; một trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của tuyến hành lang và của cả Việt Nam.

Vậy theo ông, những thách thức, rào cản nào ngành logistics Hải Phòng đang và sẽ phải đối mặt?

Trong "chuỗi" hoạt động logistics, thì Hải Phòng hiện vẫn chỉ thực hiện ở những công đoạn thô, chủ yếu là bốc xếp, kho bãi và vận chuyển đường bộ, nguồn thu từ những công đoạn này thấp, ít tạo giá trị gia tăng. Hệ thống các doanh nghiệp như cảng, kho bãi, vận tải còn nhỏ lẻ, hoạt động manh mún, tự phát, chưa tìm được tiếng nói chung dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, giảm hiệu quả tổng thể.

Một phần do Hải Phòng chưa có những trung tâm logistics đủ lớn về qui mô, về tầm ảnh hưởng với các hãng tàu, các nhà sản xuất, xuất nhập khẩu, nên mới dừng lại ở mức thu gom hàng thuê cho các hãng nước ngoài; một phần nữa là do chưa có những đội tàu vận tải biển quốc tế đủ mạnh, nguồn nhân lực cung cấp cho logistics còn thiếu và yếu...

Vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ vẫn là chủ yếu (chiếm trên 80% khối lượng hàng hóa) dẫn đến chi phí cao, tiềm ẩn ùn tắc giao thông và tác động xấu đến môi trường. Những loại hình vận tải chi phí thấp như đường sắt, đường thủy nội địa chưa phát huy được.

Để trở thành trung tâm dịch vụ logistics của miền Bắc và khu vực, thành phố Hải Phòng đã chuẩn bị những gì để tiến đến mục tiêu này?

Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của thành phố, toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân thành phố đều quyết tâm, nỗ lực để sớm hiện thực hóa mục tiêu đề ra.

Ngày 14/3/2019, UBND thành phố đã chính thức phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, quy hoạch 1 trung tâm logistics cấp vùng (Nam Đình Vũ), 4 trung tâm logistics cấp tỉnh (Lạch Huyện, VSIP, Tràng Duệ, Tiên Lãng) và 1 trung tâm logistics chuyên dùng hàng không tại sân bay Cát Bi.

Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, kết nối hạ tầng cảng biển như cải tạo, nâng cấp đường 356 trên địa bàn huyện Cát Hải; cải tạo, nâng cấp tuyến đường xuyên đảo Cát Bà; đầu tư cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2, đẩy nhanh tiến độ tuyến đường bộ ven biển, mở rộng sân bay Cát Bi. 

Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nguồn lực trong xã hội để đầu tư vào hạ tầng giao thông, vào các lĩnh vực trong "chuỗi" logistics theo mô hình hợp tác công - tư, chủ động đề xuất Trung ương sớm xây dựng tuyến đường sắt qui chuẩn kết nối các cảng tới Hà Nội và ra quốc tế...

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top