Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong năm 2018 có 56.567 dự án thực hiện đầu tư trong đó có 23.618 dự án chuyển tiếp, chiếm 41,8%; 32.949 dự án khởi công mới, chiếm 58,2%.

Hơn 400 dự án thất thoát, lãng phí vốn nhà nước

Theo số liệu báo cáo, năm 2018 có 1.778 dự án chậm tiến độ, chiếm 3,1% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ.

Các nguyên nhân chậm tiến độ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng (863 dự án); do thủ tục đầu tư (372 dự án); do bố trí vốn không kịp thời (278 dự án); do năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu (142 dự án)…

Cũng trong năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành kiểm tra 15.639 dự án, chiếm 27,8% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ, tổ chức đánh giá 22.265 dự án, chiếm 39,57%.

Qua kiểm tra phát hiện 25 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 54 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 422 dự án có thất thoát, lãng phí; 450 dự án phải ngừng thực hiện. Các địa phương có số dự án phát hiện có thất thoát, lãng phí nhiều nhất là tỉnh Bắc Giang có 196 dự án, Phú Thọ có 111 dự án, Quảng Ngãi có 58 dự án. Các dự án có thất thoát lãng phí chủ yếu là các chi phí không hợp lý, được phát hiện trong giai đoạn thanh, quyết toán, kiểm toán.

Đây mới chỉ những con số được công bố dựa trên báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, công tác quản lý đầu tư từ ngân sách Trung ương được chấn chỉnh và có nhiều chuyển biến tích cực, nguồn vốn ngân sách được bố trí tập trung hơn, hiệu quả đầu tư bước đầu được nâng cao. 

Tuy nhiên, thời gian thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư còn dài, một số quy định còn bất cập; công tác giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm, nhiều dự án còn chậm tiến độ, phải điều chỉnh, tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Một số cơ quan có tỷ lệ giải ngân thấp so với kế hoạch vốn đã được bố trí như các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Nghệ An, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tp Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu...; các cơ quan: Bộ Thông tin và Truyền thông; Đài Truyền hình Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam. 

Tăng cường giám sát dự án BOT

Đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết một số hợp đồng dự án theo hình thức BOT nhiệt điện, giao thông nhưng không có số liệu báo cáo.

Tổng vốn đầu tư của các dự án PPP theo kế hoạch trong năm là 77.005 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công tham gia là 1.638 tỷ đồng, chiếm 2,13%; vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư là 22.353 tỷ đồng, chiếm 29%; vốn vay thương mại là 53.012 tỷ đồng, chiếm 68,8%. Tổng giá trị thực hiện là 36.201 tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn rất hạn chế so với nhu cầu đầu tư, việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP trong các năm qua nhằm mở rộng thu hút nguồn lực đầu tư từ các nguồn vốn ngoài ngân sách của các nhà đầu tư trong và ngoài nước để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của cả nước.

Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế tồn tại như các dự án BOT giao thông hiện nay chủ yếu do các nhà đầu tư trong nước thực hiện, chưa thu hút được vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án BOT. Vị trí trạm thu phí, mức thu phí còn nhiều bất cập, thiếu minh bạch.

Trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước về tính hiệu quả của dự án như mức lợi nhuận của nhà đầu tư, thời hạn nhà đầu tư được Nhà nước nhượng quyền thu phí của người sử dụng dịch vụ, giá sử dụng công trình/dịch vụ công, mức độ tham gia của Nhà nước chưa rõ ràng. Năng lực giám sát về cơ chế thu phí còn yếu, thiếu minh bạch trong quá trình quản lý hợp đồng.

Một số dự án BOT huy động nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư và các ngân hàng thương mại là các doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa chủ yếu là vốn tín dụng ngắn hạn nhưng lại được sử dụng cho đầu tư dài hạn nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro an toàn hệ thống ngân hàng.

Các dự án thực hiện theo hình thức BT chậm triển khai thực hiện, một số dự án gặp khó khăn do chưa có nguồn thanh toán cho nhà đầu tư do chưa có Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thanh toán theo hình thức này. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, các cơ quan đề xuất xem xét hoàn thiện một số quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư như: vấn đề ưu đãi tiền thuê đất, sử dụng đất, quy trình lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế thanh toán theo hợp đồng BT bằng quỹ đất.

Cần tăng cường công tác giám sát của Quốc hội, của người dân thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các dự án BOT, để bảo đảm đúng trách nhiệm của từng bên, tạo sự công khai, minh bạch trong thực thi các chính sách thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top