Theo báo cáo tham vấn về phát triển kinh tế tại Việt Nam mới công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo các điều kiện bên ngoài kém thuận lợi sẽ kéo đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống còn 6,5% trong 2019 và duy trì ở mức này tới năm 2024, giảm từ mức cao nhất 10 năm 7,1% của năm 2018.
Tăng trưởng giảm tốc do điều kiện bên ngoài kém thuận lợi
IMF dự báo tỷ lệ lạm phát của Việt Nam sẽ tăng nhẹ lên 3,6% trong năm 2019 và 3,8% trong năm 2020 nhưng vẫn duy trì ở dưới mức mục tiêu 4% của Chính phủ. Cơ quan này nhận định căng thẳng thương mại và bất ổn toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam trong năm 2018 nhưng nền kinh tế vẫn vững vàng nhờ thu nhập và tiêu dùng của nhóm trung lưu tăng ổn định, mùa màng thuận lợi cùng khu vực sản xuất phát triển mạnh.
"Động lực tăng trưởng mạnh mẽ được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2019 nhờ chi phí lao động cạnh tranh và các yếu tố cơ bản khác bao gồm cấu trúc thương mại đa dạng và các hiệp định thương mại tự do mới ký kết gần đây, thúc đẩy cải cách nền kinh tế", IMF cho biết trong báo cáo. "Tuy nhiên, tăng trưởng được dự báo sẽ giảm xuống còn 6,5% trong năm 2019 và trong trung hạn do các điều kiện bên ngoài kém thuận lợi".
Trước đó, trong báo cáo Điểm lại công bố ngày 1/7, WB cũng nhận định kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh bất định cao với tác động của những yếu tố bất lợi bên ngoài lên các ngành kinh tế quan trọng. WB dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2019 theo giá so sánh của Việt Nam sẽ giảm còn 6,6%, do sức cầu bên ngoài yếu đi và chính sách tài khóa, tín dụng tiếp tục bị thắt chặt.
Trong báo cáo, IMF đánh giá cao những chính sách thận trọng của Chính phủ Việt Nam, góp phần tích cực cho sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu và các yếu tố bất ổn bên ngoài. Cơ quan này hoan nghênh cam kết tiếp tục bình ổn kinh tế vĩ mô và cải cách trên diện rộng của chính phủ Việt Nam và đồng tình với ưu tiên tập trung tăng cường quản trị, thúc đẩy năng suất lao động và tăng trưởng dựa trên khu vực kinh tế tư nhân.
IMF kêu gọi Việt Nam tiếp tục cải cách nhằm giảm các rào cản vấn còn tồn tại đối với đầu tư, bao gồm việc cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng và vốn của nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy nguồn vốn đầu tư tư nhân và tăng năng suất lao động.
Khuyến nghị cải cách từ IMF
Theo IMF, những cải cách thời gian qua đã giúp cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh tại Việt Nam, tiếp tục mở cửa sâu rộng nền kinh tế thông qua các hiệp định thương mại tự do và nâng cấp cơ sở hạ tầng mềm (bao gồm dữ liệu, sự minh bạch, các thể chế và quy định). Cam kết của chính phủ theo các hiệp định quốc tế cũng giúp duy trì động lực cho những cải cách này.
Tuy nhiên, IMF nhận định môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều rào cản, trong đó bao gồm các vấn đề cố hữu tại các doanh nghiệp nhà nước (SOE) và hệ thống ngân hàng, sự can thiệp lớn của nhà nước trong kiểm soát và phân bổ các nhân tố sản xuất như đất và tín dụng, những hạn chế về năng lực làm giảm tiến độ thực thi những cải cách phức tạp…
Vấn đề cấu trúc quản lý đất và tín dụng, cũng như khu vực kinh tế nhà nước còn quá lớn vẫn là những rào cản cho kinh tế tư nhân phát triển. Bên cạnh đó, dù gánh nặng về thủ tục hành chính đã được giảm đáng kể, những thách thức trong việc thực thi vẫn còn khá lớn, đặc biệt là ở các cấp địa phương.
IMF đưa ra vài khuyến nghị cần ưu tiên để cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm giảm sự can thiệp của chính phủ, tăng cường giám sát doanh nghiệp nhà nước và kiểm soát tham nhũng.
IMF khuyến nghị những rào cản về hành chính đối với khu vực kinh tế tư nhân và nước ngoài cần phải tiếp tục cắt giảm hơn nữa nhằm thúc đẩy liên kết giữa khối doanh nghiệp tư nhân và FDI, tăng tính cạnh tranh và năng suất lao động, thúc đẩy đầu tư và chuyển giao công nghệ.
IMF cho rằng quy định sở hữu và cho thuê đất nên được thay đổi nhằm giảm sự tập trung vào các cơ quan nhà nước và các cuộc đấu giá đất cạnh tranh nên được đưa thành tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, IMF cho rằng khả năng tiếp cận tín dụng tại Việt Nam hiện bị ảnh hưởng với trần tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và thị phần lớn trong hệ thống ngân hàng vẫn thuộc về các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước. IMF khuyến nghị tỷ lệ sở hữu nhà nước trong các ngân hàng nhà nước nên ở mức dưới 65%, đồng thời nâng trần sở hữu của nước ngoài.
Post a Comment