Tại cuộc làm việc giữa Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đảng lần thứ XIII với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tp.HCM, Thủ tướng Chính phủ khẳng định Chính phủ xây dựng cơ chế điều phối vùng đủ mạnh, đủ thẩm quyền, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Trao đổi một số vấn đề về vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đồng bằng màu mỡ trên thế giới, có các điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng hết sức thuận lợi cho phát triển nông nghiệp chất lượng cao. Thời gian qua, các địa phương trong vùng đạt nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng lưu ý một số khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển như biến đổi khí hậu, hạ tầng không đồng bộ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, liên kết vùng còn hạn chế. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn.

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, Đồng bằng sông Cửu Long cần xác định được tầm nhìn của toàn vùng đến năm 2045 đặt trong tầm nhìn và Chiến lược chung của cả nước năm 2045. "Tầm nhìn đó cần hướng đến sự liên kết toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững, có bước đột phá một số lĩnh vực, là vùng phát triển không thua kém bất cứ vùng nào về mọi mặt".

Với tầm nhìn đó, Thủ tướng cho rằng, cần khẩn trương hoàn thành quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo phương pháp tích hợp đa ngành, với tư duy mới, tầm nhìn mới. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì triển khai phối hợp các địa phương, bộ ngành, các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước, dự kiến giữa năm 2020 trình thông qua. 

"Và quy hoạch khu vực này gắn với Tp.HCM và Cần Thơ. Quy hoạch ấy phải nói giải pháp kết nối cùng có lợi và vấn đề tiểu vùng được đặt ra. Đây là quy hoạch quan trọng, chiến lược quan trọng phải làm trong nhiệm kỳ này, cụ thể là trong cuối năm 2020 phải xong", Thủ tướng nhấn mạnh.

Việc thứ hai là xây dựng cơ chế huy động nguồn lực để thực hiện quy hoạch, trong đó ngân sách Trung ương cần bổ sung thêm khoảng trên 45.000 tỷ đồng so với giai đoạn 2016-2020 từ ngân sách Nhà nước và ODA và dành riêng cho các chương trình, dự án hạ tầng quan trọng mang tính liên vùng, ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn nước ngọt cho sản xuất và đời sống, cho người dân, các dự án cấp bách giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt cản trở sự phát triển. Đồng thời với việc đó, phải làm tốt xã hội hóa nguồn lực, như một số địa phương khác trong cả nước đã làm và điều kiện có thể có được.

Chính phủ xây dựng cơ chế điều phối vùng đủ mạnh, đủ thẩm quyền, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp dựa trên công nghệ và hiệu quả cao, gắn chế biến với thị trường tiêu thụ, xây dựng các chuỗi sản xuất, các thương hiệu sản phẩm, và gắn với thích ứng biến đổi khí hậu của vùng này. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần thuận thiên, tinh thần "biến nguy thành cơ" đối với Đồng bằng sông Cửu Long.

Một giải pháp rất quan trọng là đẩy mạnh giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đây thực sự là vấn đề cấp bách.

Xây dựng các đô thị thành chuỗi, tạo động lực cho phát triển, từ đó chuyển dịch cơ cấu dân cư. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã khó, chuyển dịch cơ cấu lao động đối với Đồng bằng sông Cửu Long càng khó hơn.

Phải đẩy mạnh triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 120 của Chính phủ trên tinh thần thuận thiên. "Thuận thiên không có nghĩa là phó mặc cho trời đất mà phải giải quyết những vấn dề cấp bách để bảo vệ người dân, tạo nguồn nước ngọt mới".

Một động lực mới cần đặt ra đối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, theo Thủ tướng, là đổi mới sáng tạo, khát vọng dân tộc, khát vọng của vùng trong phát triển, để "ý chí người đồng bằng chúng ta vươn lên, không thua kém bất cứ vùng nào của đất nước, trong khi vùng của chúng ta là vùng đồng bằng màu mỡ, rất nhiều thuận lợi trong phát triển". Tp.HCM là đối tác phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long, nên cần có sự kết nối toàn diện giữa Tp.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top