Theo thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngày 1/7/2019, tại Tokyo, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Yamashi Takashi đã cùng trao Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng chương trình "lao động kỹ năng đặc định".
"Siết" quy định đối với du học sinh
Theo quy định tại MOC, phía Nhật Bản chỉ tiếp nhận lao động "kỹ năng đặc định" người Việt Nam sau khi người lao động đã thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật Việt Nam và có tên trong "Danh sách xác nhận" được cấp bởi Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.
Ngoài ra, để hạn chế việc lợi dụng chương trình du học để đưa lao động sang làm việc tại Nhật Bản, phía Nhật Bản đưa vào MOC 2 nội dung. Cụ thể, đó là nghiêm cấm các công dân Việt Nam đang cư trú tại Nhật Bản trong tình trạng không đủ điều kiện như du học sinh bị đuổi học, thực tập sinh kỹ năng bỏ ra ngoài hợp đồng hoặc những người xin tư cách tỵ nạn tham gia các kỳ kiểm tra kỹ năng tại Nhật Bản.
Liên quan đến du học sinh Việt Nam thay đổi tư cách lưu trú sang lao động kỹ năng đặc định, sẽ có những biện pháp phù hợp bao gồm kiểm tra chặt chẽ các cơ sở đào tạo nhằm ngăn chặn việc lợi dụng các chương trình du học cho mục đích làm việc tại Nhật Bản từ góc độ tôn trọng quyền con người cơ bản.
Theo bản MOC, phía Nhật Bản có trách nhiệm đưa vào văn bản hướng dẫn nguyên tắc về việc chia sẻ chi phí như: chi phí cho việc đào tạo tiếng Nhật hoặc đào tạo kỹ năng; chi phí đi lại và các chi phí cần thiết khác để phái cử lao động kỹ năng đặc định theo quy định của Việt Nam.
Phía nước này cũng cam kết, không tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định người Việt Nam chưa hoàn thành các thủ tục cần thiết theo quy định của Việt Nam bao gồm cả quy định về các khu vực, ngành nghề cấm. Về phía Việt Nam, sẽ ban hành các quy định liên quan, trong đó có quy định cụ thể về những chi phí hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ban hành".
Chỉ lựa chọn doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu
Ngoài việc quy định các nội dung nêu trên, MOC cũng quy định rõ quyền lợi của người lao động Việt Nam như lao động kỹ năng đặc định lưu trú tại Nhật Bản được hưởng các quyền lợi theo luật nhập cư, luật lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan của Nhật Bản.
Ngoài ra, người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi khác liên quan tới chi phí cho việc đào tạo tiếng Nhật hoặc đào tạo kỹ năng, chi phí đi lại bao gồm chi phí trở về Việt Nam sau khi chấm dứt hợp đồng lao động của các lao động kỹ năng đặc định.
Có thể nói, việc triển khai chương trình trên cơ sở bản thỏa thuận này sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm mới cho lao động có kỹ năng của Việt Nam, góp phần gắn kết giữa lao động với đào tạo, gắn kết giữa thị trường lao động trong nước với thị trường lao động quốc tế.
Đồng thời, cũng sẽ giúp Nhật Bản giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực trong một số ngành quan trọng của nền kinh tế và là động lực để thúc đẩy hơn nữa giao lưu, hợp tác, nhất là trong lĩnh vực hợp tác lao động, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ giữa hai nước.
Nhằm triển khai thỏa thuận mới một cách có hiệu quả, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, sẽ lựa chọn các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu đưa lao động kỹ năng đặc định sang làm việc tại Nhật Bản. Đồng thời, hướng dẫn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm các hợp đồng có các điều kiện đãi ngộ tốt đối với lao động kỹ năng đặc định của Việt Nam cũng như tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động của các doanh nghiệp.
Bộ cũng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan của hai nước để kiên quyết loại bỏ các đối tượng trung gian môi giới, du học trá hình... đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trái phép. Cùng với đó, phối hợp với phía Nhật Bản tổ chức tốt các kỳ thi kiểm tra kỹ năng nghề và ngoại ngữ để người lao động có nguyện vọng và trình độ thể tham gia thi đánh giá trình độ theo quy định của Nhật Bản.
Lao động thuộc diện tiếp nhận gồm:
- Những lao động được phái cử bởi các tổ chức, doanh nghiệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho phép đưa lao động kỹ năng đặc định đi làm việc ở Nhật Bản.
- Những công dân Việt Nam đang cư trú tại Nhật Bản đã được cơ quan tiếp nhận lao động tuyển dụng trực tiếp, gồm: những người được miễn các kỳ kiểm tra và thi, bao gồm thực tập sinh đã hoàn thành chương trình thực tập sinh kỹ năng số 2 hoặc số 3; du học sinh đã tốt nghiệp ít nhất khóa học 2 năm của các trường tại Nhật Bản và thi đỗ các kỳ kiểm tra kỹ năng nghề và tiếng Nhật
Post a Comment