Việc quá tải trên hệ thống dẫn đến hệ quả lệnh đặt liên tục bị treo (nghẽn mạng) trong suốt thời gian từ trước Tết Nguyên đán đến nay được giới phân tích cho là "rào cản" cho sự đi lên của chỉ số VN-Index trong tháng 3/2021.
Bên cạnh đó, các yếu tố khác như GDP, lạm phát, mặt bằng lãi suất và lợi suất trái phiếu Mỹ được xem như là các nhân tố bồi "thêm dầu vào lửa", càng khiến thị trường khó tăng trưởng.
ĐIỂM MẶT NHỮNG RỦI RO CẢN ĐÀ TĂNG CỦA VN-INDEX
Trong bối cảnh thị trường phải đối mặt rủi ro ngắn hạn đến từ các yếu tố trong nước, cụ thể là "hóng" đợi các giải pháp khắc phục nghẽn mạng từ các cơ quan chức năng, giới phân tích dự báo VN-Index sẽ lình xình đi ngang dưới ngưỡng 1.200 điểm trong tháng 3 này.
Dù vậy, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vẫn tin rằng "VN-Index sẽ chinh phục thành công ngưỡng 1.200 điểm trong các tháng tới và những đợt điều chỉnh mạnh của thị trường sẽ là cơ hội để tích lũy cổ phiếu".
Trong báo cáo mới nhất của mình, VDSC cho rằng những rủi ro đầu tiên là sự biến động của thị trường chứng khoán toàn cầu có thể ảnh hưởng thị trường chứng khoán Việt Nam. Rủi ro này đến từ sự trở lại của lạm phát và đà tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm.
Nhiều thị trường chứng khoán bắt đầu điều chỉnh khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng hơn 16 điểm cơ bản lên mức 1,614% tính đến ngày 25/2 (mức cao nhất kể từ tháng 2/2020). Cụ thể, nhiều chỉ số diễn biến tiêu cực trong tuần cuối cùng của tháng 2, chẳng hạn như Nikkei (giảm 3,50%), SET (giảm 0,94%), SP500 (giảm 2,44%).
Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index có mức điều chỉnh nhẹ hơn với mức giảm 0,42% so với tuần trước đó, nhưng áp lực bán mạnh vẫn xảy ra. Vì thế, việc theo dõi hành động của các ngân hàng trung ương Mỹ là rất cần thiết để đánh giá diễn biến lợi suất trái phiếu chính phủ.
Rủi ro thứ hai được VDSC đánh giá là rào cản chính đối với sự đi lên của thị trường, đó là việc hệ thống giao dịch bị quá tải. Việc đặt lệnh trên HOSE gặp nhiều khó khăn do lệnh bị treo khi giá trị giao dịch đạt khoảng 14.000 tỷ đồng đến từ việc quá tải trên hệ thống. Điều này là một rào cản không nhỏ và có thể hạn chế đà tăng của chỉ số VN-Index khi các nhà đầu tư mới sẽ gặp khó khăn trong việc giao dịch.
Nhiều nỗ lực trong ngắn hạn đã được đề xuất như tăng số lượng giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu/lô (bắt đầu từ tháng 1/2021), chuyển một số cổ phiếu từ sàn HOSE sang HNX... nhưng mức độ hiệu quả vẫn chưa được kiểm chứng. Hiện tại, các nhà đầu tư đang kỳ vọng việc áp dụng hệ thống giao dịch KRX của Hàn Quốc sẽ giải quyết triệt để vấn đề quá tải về lệnh đặt. Tuy nhiên, việc áp dụng chính thức hệ thống mới cũng còn khá xa (cuối năm 2021).
VẪN LẠC QUAN TRONG TRUNG VÀ DÀI HẠN
Mặc dù trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam đối mặt một số rủi ro nói trên nhưng theo VDSC, triển vọng lạc quan trong trung và dài hạn vẫn được duy trì.
Theo phân tích của VDSC, môi trường lãi suất thấp vẫn là chất xúc tác hỗ trợ thị trường chứng khoán trong năm 2021. Lãi suất huy động sau nhiều lần điều chỉnh giảm hiện đang ở mức 4% đến 6% cho kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng (so với mức trung bình 6,15% của cùng kỳ năm 2020).
Nhìn xa hơn, rủi ro lãi suất tăng khi lạm phát trở lại là một điều đáng chú ý. Tuy nhiên, VDSC cho rằng đến hiện tại, rủi ro này vẫn đang trong tầm kiểm soát dựa trên nỗ lực của Chính phủ như việc sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu để ứng phó với việc giá dầu toàn cầu đang tăng. Theo đó, thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn khi lãi suất tiền gửi ngân hàng vẫn đang ở mức thấp.
"Về góc độ tâm lý, sẽ cần thời gian để VN-Index kiểm định vùng 1.200 điểm nhưng những triển vọng tốt trong trung và dài hạn giúp chúng tôi duy trì quan điểm lạc quan trong thời gian sắp tới. Do đó, mua đuổi trong những phiên tăng mạnh quanh vùng này nên được hạn chế và nhà đầu tư có thể cân nhắc tham gia thị trường trong những phiên biến động mạnh bằng việc tích lũy những cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững chắc trong năm 2021", chuyên gia VDSC khuyến nghị.
Công ty chứng khoán này dự báo VN-Index năm 2021 có thể dao động trong khoảng 1.070 - 1.250 điểm. "Chúng tôi tin rằng VN-Index sẽ chinh phục thành công ngưỡng 1.200 điểm trong các tháng tới và những đợt điều chỉnh mạnh của thị trường sẽ là cơ hội để tích lũy cổ phiếu", VDSC nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, Công ty chứng khoán SSI cũng cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết trên HOSE phục hồi rất tích cực từ quý IV/2020 và khả năng tiếp cận vắcxin COVID-19 sắp tới là nhân tố nâng đỡ thị trường trong ngắn hạn. Và VN-Index sẽ tiếp cận mốc 1.200 điểm trong thời gian tới.
Theo SSI, trong quá khứ, các ngưỡng tâm lý thị trường đã phải mất rất nhiều lần mới vượt qua được. Chẳng hạn như ngưỡng 1.000 phải mất 7 lần mới vượt được trong giai đoạn 2018-2020; hay ngưỡng 600 điểm trong giai đoạn 2014-2016. Với ngưỡng 1.200, VN-Index đã 3 lần tiệm cận thử thách mốc này trong các năm 2007, 2018 và tháng 1/2021 đều thất bại, tạo điểm gãy trong xu hướng khiến số đông nhà đầu tư thua lỗ. Nếu so sánh thời điểm này với thời điểm đầu 2018 thì mức lãi suất hiện nay thấp hơn nhiều, nhưng thị trường lại có nhiều biến động hơn do hiện nay số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường ở mức rất cao.
Điểm giống nhau là thời điểm 2018 và thời điểm 2021 đều có rủi ro về việc lãi suất có thể tăng trở lại trong bối cảnh kinh tế hồi phục nhanh và lạm phát tăng trở lại. Còn nếu so sánh với thời điểm VN-Index ở ngưỡng 1.200 vào cuối tháng 1, thì tình hình hầu như không có gì khác về mặt vĩ mô, nhưng triển vọng dập tắt đợt bùng phát dịch Covid-19 đã khá rõ ràng và các thông tin về triển khai vắc xin cụ thể hơn.
Xét về kỹ thuật, vận động của VN-Index sau Tết nguyên đán cho thấy những tín hiệu tích cực hơn về điểm số và khối lượng giao dịch, tuy nhiên VN-Index vẫn liên tục gặp khó khi chỉ số tiến về vùng cản tâm lý 1.200 điểm. Các nhịp thoái lui từ vùng cản này đang được hỗ mạnh ở vùng 1.175 - 1.150 điểm trong khi xu hướng tăng của chỉ số vẫn chưa thay đổi. Vì vậy, các chuyên gia của SSI cho rằng, khả năng VN-Index vẫn sẽ hướng đến và thử thách vùng đỉnh cũ 1.200 với động lực từ nhóm nhà đầu tư cá nhân trong thời gian tới.
Phân tích thị trường tháng 3, Khối phân tích Công ty chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng trọng tâm của VN-Index là khắc phục sự cố nghẽn lệnh trên sàn HOSE, Đại hội đồng cổ đông thường niên của doanh nghiệp niêm yết, kế hoạch kinh doanh năm 2021 và Báo cáo KQKD quý I/2021. Theo đó, ACBS đưa ra 2 kịch bản cho VN-Index trong tháng 3: kịch bản 1 (80%) là thị trường sẽ duy trì đi ngang phân hóa mạnh trong bối cảnh chờ đợi các biện pháp khắc phục vấn đề hạn chế thanh khoản trên HOSE. (theo dự kiến, việc thử nghiệm và đổi core mới sẽ kéo dài từ 3 – 6 tháng; và kịch bản 2 (20%) là VN-Index sẽ điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.073 điểm.
TÌM CƠ HỘI Ở NHỮNG CỔ PHIẾU HƯỞNG LỢI
Với những phân tích về những cơ hội và rủi ro đến từ nội tại và bên ngoài, về sự kiểm soát lạm phát ở mức 3,5% và chính sách tiền tệ vẫn được duy trì ổn định để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế, VDSC khuyến nghị một số cổ phiếu để đầu tư. Đó là những doanh nghiệp có thể hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng tăng của giá hàng hóa hoặc thông qua khả năng điều chỉnh giá bán tăng tương ứng hoặc hơn mức tăng của giá nguyên vật liệu đầu vào, thuộc các ngành dầu khí, thép và phân bón.
Trước diễn biến tăng mạnh của giá thép, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh thép sẽ được hưởng lợi, trong đó đặc biệt là HPG và SMC.
Đối với ngành dầu khí, giá dầu WTI đã tăng liên tục từ đầu tháng 10/2020, tương đương tăng 63% lên mức 65 USD/thùng tính đến cuối tháng 2/2021, và kỳ vọng xu hướng này sẽ duy trì đến hết quý II/2021. Do vậy, các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị của ngành dầu khí sẽ được hưởng lợi, và có thể vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm (xây dựng dựa trên kịch bản giá dầu ở mức 45 USD) ngay trong quý I/2021, như: BSR, PLX và GAS.
Trong ngành phân bón, VDSC ưa thích cổ phiếu DPM. Giá bán phân bón tăng mạnh trong các tháng đầu năm sẽ thúc đẩy mạnh mẽ lợi nhuận quý I/2021.
Về phía SSI, các chuyên gia phân tích của Công ty này khuyến nghị 9 cổ phiếu: FPT, SZC, DIG, HPG, ACV, MBB, ACB, QNS và SBT khi phân tích về sự hồi phục với các yếu tố dẫn dắt tăng trưởng rõ rệt được nhấn mạnh trong tháng tháng 3.
Post a Comment