Mỗi ngày trôi qua tôi thấy mình càng căng thẳng hơn, sợ không thể kiên nhẫn sống để chờ được đến ngày ra ở riêng.
Tôi là nữ, 34 tuổi, ai nhìn vào cũng nghĩ hoàn cảnh của tôi khá lý tưởng. Trong khi bao nhiêu người còn ở nhà thuê, chật vật với mức thu nhập bấp bênh thì tôi không phải thuê nhà, làm công việc quản lý với lương tháng trung bình 30 triệu đồng. Tôi xuất thân từ nông thôn nên từ nhỏ đã thấm nhuần cái cực khổ của ba mẹ. Lớn lên tôi cố gắng học hành và có bằng thạc sĩ. Ở văn phòng, tôi được đánh giá là người làm việc có tâm, bạn bè yêu quý, thầy cô thương mến và thường gọi tôi là tấm gương cho các sinh viên khóa sau. Sau nhiều năm đi làm, tiết kiệm, tôi có trong tay hai sổ đỏ, giá trị không quá lớn nhưng tôi cũng tự nể phục mình. Tôi tự kiếm tiền nuôi sống tốt bản thân, con cái và còn cấp dưỡng cho gia đình hai bên, lại tiết kiệm được đến 50% lương.
Chuyện không có gì đáng nói nếu như chồng cũng là người biết lo lắng cho gia đình và cùng chung tay xây dựng tổ ấm với tôi. Tôi không yêu cầu anh phải thành công hay nuôi tôi, chỉ cần anh có trách nhiệm, quan tâm hơn đến gia đình, tức là yêu thương tôi và con. Về gia cảnh, anh là con của mẹ anh với một người đàn ông đã có gia đình, từ nhỏ không được sống cùng ba. Thỉnh thoảng ba sẽ về và chu cấp tiền cho mẹ con anh sống đủ đầy. Đồng tiền không cần kiếm vẫn tự có nên mẹ anh sống theo kiểu phóng khoáng đến lãng phí, đồ ăn thức uống luôn nấu dư dôi, ăn không hết cho người khác hoặc đổ bỏ rất phí phạm. Vì thế từ nhỏ anh đã quen hưởng thụ.
Ngày quen tôi, anh đi làm được hai nơi nhưng chỗ nào cũng chê lương thấp rồi nghỉ việc, về làm cho ba anh. Ba anh kinh doanh xe ôtô. Vì tính anh không được nhanh nhẹn như ba, lại thích hưởng thụ hơn là chăm chỉ làm việc nên ba chồng tôi thường la rầy. Đến khi ông mất, anh được thừa hưởng một phần tài sản nên lại càng sống hưởng thụ hơn. Đến giờ phần gia sản ấy cũng gần hết nhưng anh không cầu tiến mà tìm việc. Vài lần tôi hối thúc, thậm chí giới thiệu công việc, anh cũng nộp hồ sơ cho có hoặc lờ đi.
Nhiều người sẽ thắc mắc anh lấy tiền đâu để sống, anh không lo vì đã có mẹ nuôi. Tôi nhiều lần cảnh báo về những khó khăn khi không còn ba cấp dưỡng, anh lại quay sang giận tôi. Tính anh rất hay giận. Từ khi có con, chúng tôi thống nhất mỗi tháng mỗi đứa góp vào 5 triệu đồng lập quỹ nuôi con, anh góp được thời gian đầu, về sau không góp nữa. Tôi nhắc anh lại giận, tôi chuyển trách nhiệm cho anh là đóng học phí của con. Tôi lo chi phí còn lại cho con.
Cách đây khoảng một tháng, khi nợ tiền học phí con tôi đến 3 tháng, nhà trường mời mẹ anh vào nói chuyện, bà mới báo với tôi, như kiểu muốn tôi đưa tiền để đóng. Tất nhiên tôi không đưa, chỉ cho anh mượn để anh hiểu đó chính là hậu quả mà tôi đã cảnh báo. Rồi anh cũng phải bán thêm tài sản do ba để lại để có tiền sinh hoạt phí, dĩ nhiên là giá rẻ. Tôi nghĩ bán xong anh sẽ chí thú làm ăn và tiết kiệm, hóa ra không phải. Ngay sau khi nhận được tiền khách thanh toán, anh và mẹ chạy ngay ra tiệm điện máy kêu thợ đến đổi tivi, tủ lạnh và tân trang lại xe máy dù chúng đều còn dùng rất tốt. Tất nhiên tôi cũng không được thông báo vì anh và mẹ biết chắc tôi sẽ cản, sợ lãng phí. Khi biết, tôi chỉ cười trừ vì còn lạ gì tính của bà. Giày dép lúc nào bà cũng có ít nhất 5 đôi, thậm chí có đôi không dùng. Ngày tôi về làm dâu bà còn "tặng thêm" cho tôi 3 đôi mà bà ít mang.
Chúng tôi lại không hợp nhau ở cách nuôi dạy con. Tôi muốn hướng con theo kiểu tự lập và chủ động nhưng anh và mẹ anh thì không như vậy. Con tôi gần 4 tuổi, nhưng xuống cầu thang thì thỉnh thoảng bà phải bế, ăn cơm bà phải mang lên tận phòng rồi đút cho ăn, trong khi tôi mua sẵn ghế ăn đặt tại nhà bếp và muốn con tự xúc ăn, nên hầu như ghế đấy chỉ dùng được đúng vào cuối tuần, ngày có tôi ở nhà. Tôi không muốn con dùng điện thoại và vui chơi rồi khám phá xung quanh, tương tác với người nhà, còn bà thì có thể cho con chơi đến vài tiếng đồng hồ để cháu nằm yên, đỡ mất công giữ. Khi tôi nói thì bà và anh lại hờn giận, cho rằng tôi khó chịu. Do đó, chúng tôi hầu như không nói chuyện được với nhau. Hiện nay cuộc sống của tôi bí bách vô cùng.
Mỗi ngày đến văn phòng với bao nhiêu công việc cần giải quyết, tuy đau đầu nhưng tôi thấy vô cùng dễ chịu và vui vẻ vì không phải đụng mặt với anh và mẹ anh. Con tôi ở trường và được các cô dạy dỗ. Đến cuối mỗi ngày là mệt mỏi nhất, bước vào nhà bếp là thấy chén bát bẩn tràn ra hết chậu rửa, bước lên phòng lại thấy đồ chơi, sách vỡ la liệt trên sàn. Những uất ức này tôi nhiều lần nói với chồng nhưng anh chỉ im lặng. Mỗi ngày của anh là đưa bé đi học, sau đó ăn sáng rồi ngồi chơi game hoặc loanh quanh lướt mạng đến chiều, tới giờ bà bê sẵn đồ ăn lên tận bàn cho ăn. Dù bà đã gần 70 tuổi nhưng vẫn cơm dâng nước rót cho anh. Do được nuông chiều nên hầu như anh chỉ quan tâm đến mẹ, còn những uất ức hay cảm xúc của tôi thế nào anh không quan tâm.
Thật sự tôi không thiết tha gì cuộc sống như hiện tại, cảm nhận rõ bản thân trì trệ hơn, hay cáu giận hơn, căng thẳng và mệt mỏi hơn, không có chút tiến bộ nào. Thậm chí tôi còn sợ nếu để con tiếp tục sống trong môi trường này, con sẽ hình thành thói quen, lối sống hưởng thụ và ỷ lại vào người khác. Nhưng việc ra riêng lúc này tôi còn lăn tăn, đúng hơn là chưa đủ can đảm khi một thân một mình lại mang theo con nhỏ. Tôi định đợi thêm năm rưỡi nữa, khi em gái lên Sài Gòn học đại học, tôi sẽ mua căn chung cư cho ba người sống, có em gái ở cùng tôi cũng an tâm hơn, thế nhưng chờ đợi như vậy lâu quá. Độc giả bên ngoài sẽ sáng suốt hơn, xin cho tôi lời khuyên. Chân thành cảm ơn.
Huyền Nga
Post a Comment