Trong khi sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế Chính phủ vẫn ban hành văn bản làm tăng bộ máy và biên chế, Đoàn giám sát của Quốc hội xác định trách nhiệm về những bất cập, hạn chế trong việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính, nhà nước.

Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 là nội dung giám sát tối cao của Quốc hội trong cả ngày 30/10.

Quá nhiều "sếp"

Ghi nhận nhiều kết quả tốt song báo cáo giám sát cũng chỉ ra vô số những bất cập trong cải cách bộ máy hành chính, tinh giản biên chế.

Nhìn chung thì bộ máy vẫn cồng kềnh, tinh giản biên chế chưa thực chất. Nhìn cụ thể hơn thì một số bộ có tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên/công chức cao đến khó tin: 3/4, 8/9...Có vụ có đến 3 hàm vụ trưởng, 18 hàm phó vụ trưởng.

Để xảy ra những bất cập, hạn chế nêu trên và nhiều hạn chế khác nữa trong bản báo cáo dài đến 62 trang, Đoàn giám sát xác định có trách nhiệm của cả Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương và cá nhân người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Cụ thể, cấp ủy Đảng, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về tổ chức bộ máy, biên chế, tinh giản biên chế. Còn tình trạng cục bộ trong ngành, địa phương, lĩnh vực quản lý. Thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa nghiêm chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và tinh giản biên chế. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý các vi phạm chưa được quan tâm tiến hành thường xuyên, nghiêm túc.

 Các cơ quan nhà nước nhiều trường hợp khi ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã không thực hiện chặt chẽ yêu cầu về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, vẫn lồng ghép quy định nhằm tăng nhiệm vụ, quyền hạn cho cơ quan, đơn vị. Từ đó làm phát sinh tổ chức bộ máy và biên chế hoặc gây khó khăn cho việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

 Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong giai đoạn 2011 - 2016, ngoài các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, có 18 luật, pháp lệnh chuyên ngành có quy định về tổ chức bộ máy, biên chế. Một số luật, pháp lệnh còn quy định cụ thể việc phân công trách nhiệm cho các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là cho các bộ, cơ quan ngang bộ nên cũng gây khó khăn cho việc sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này.

 Bên cạnh đó thì công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của Quốc hội, hội đồng nhân dân chưa được tiến hành thường xuyên, có hiệu quả.

Về trách nhiệm của cơ quan hành pháp, đoàn giám sát cho rằng, Chính phủ chậm trình Quốc hội ban hành và ban hành theo thẩm quyền một số văn bản để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và các luật về tổ chức bộ máy Chính phủ, chính quyền địa phương. Chậm ban hành nghị định quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang bộ, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, đến tháng 7/2017 mới ban hành được 13/30 nghị định. 

Trách nhiệm của Chính phủ còn là chậm sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp liên quan đến thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

30 văn bản làm phình bộ máy

Báo cáo giám sát nêu rõ, với vai trò là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, Chính phủ cũng có phần trách nhiệm khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các dự án luật, pháp lệnh có quy định về tổ chức bộ máy, biên chế nêu trên.

Đáng chú ý là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 30 văn bản có làm phát sinh tổ chức bộ máy hoặc biên chế, trong đó có những văn bản làm tăng bộ máy và biên chế,...

Đoàn giám sát cũng cho biết, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành 9 văn bản làm phát sinh tổ chức bộ máy và biên chế. Trong đó đặc biệt là việc trình ban hành văn bản quy định chuyển các cơ sở giáo dục bán công thành công lập làm tăng nhiều biên chế. Một số bộ đã ban hành các thông tư, thông tư liên tịch quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện về tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp Sở, cấp huyện thiếu thống nhất với văn bản của Chính phủ, không phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho các địa phương.

Kết quả giám sát cũng cho thấy, nhiều địa phương chưa thực hiện đúng quy định của Trung ương về rà soát tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước. Một số cơ quan còn bổ nhiệm số lượng cấp phó vượt quy định, tỷ lệ lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên, chưa chủ động đề xuất, kiến nghị với Trung ương sửa đổi, bổ sung các văn bản không phù hợp với thực tế địa phương. Chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đến việc củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã, phường.

Tình trạng phổ biến là dồn nhiều việc cho cấp thôn, bản, tổ dân phố, làm tăng nhiều người hoạt động không chuyên trách, tăng chi phí, chính quyền cơ sở xa dân... Cá biệt có địa phương có tình trạng bổ nhiệm nhiều người nhà vào các chức danh lãnh đạo, gây bức xúc trong dư luận xã hội - báo cáo nêu.

Phần giải pháp, đoàn giám sát cho rằng cần quan tâm thực hiện cải cách chính sách tiền lương để bảo đảm được cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức và gia đình ở mức trung bình khá trong xã hội để có thể yên tâm công tác, cống hiến cho xã hội.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top