Ngày 17/8, Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI 2018) lần đầu tiên được công bố bởi Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, với những thông tin về gánh nặng thực thi thủ tục hành chính của doanh nghiệp.

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Phó chủ tịch Hội đồng, đây là báo cáo đánh giá chi phí thực tế mà doanh nghiệp và tổ chức phải chi trả để thực hiện thủ tục hành chính theo quy định hiện hành.

Trên thực tế, đã có nhiều chỉ số khác nhau để đánh giá về các thủ tục hành chính, như các chỉ số môi trường kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới, chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ở trong nước cũng có các chỉ số như năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)…

Báo cáo dựa trên nền tảng là thông điệp của Chính phủ để phân tích những thành tựu cải cách thủ tục hành chinh của Chính phủ trong năm vừa qua và xác định dư địa cải cách 8 nhóm thủ tục hành chính quan trọng với doanh nghiệp gồm: Khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; thuế; đầu tư; giấy phép, chứng chỉ hành nghề; hải quan; đất đai; môi trường; xây dựng.

Theo đó, quán quân của bảng xếp hạng chỉ số APCI 2018 là nhóm thủ tục hành chính thuế với chi phí tuân thủ hơn 73.000 đồng; thời gian thực hiện trung bình của doanh nghiệp cho một thủ tục trong nhóm này chỉ là 2,9 giờ làm việc.

"Đây là một trong những nhóm thủ tục được Ngân hàng Thế giới vinh danh trong báo cáo  đánh giá môi trường kinh doanh 2018 khi tăng gần 15/100 điểm so với năm 2017, từ 57,99 lên 72,77 điểm. Khoảng cách khác biệt giữa nhóm thủ tục thuế với các nhóm thủ tục khác có thể lý giải bởi những nỗ lực cải cách của ngành thuế dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ", ông Ngô Hải Phan nói.

Đứng sau cùng trong bảng xếp hạng là nhóm thủ tục xây dựng với chi phí tuân thủ hơn 64 triệu đồng (thời gian thực hiện trên 108 giờ), gấp nhiều lần nhóm thủ tục quán quân của APCI 2018.

Chi phí tuân thủ các nhóm thủ tục cụ thể:

1. Thuế: chi phí 73.000 đồng; thời gian thực hiện 2,9 giờ.

2. Khởi sự doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh: 720.000 đồng; 10,4 giờ.

3. Hải quan: 3,5 triệu đồng; 12,1 giờ

4. Đất đai: 4,9 triệu đồng; 84,9 giờ

5. Giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh: 5,2 triệu đồng; 80,8 giờ

6. Đầu tư: 7,9 triệu đồng; 125,4 giờ

7. Môi trường: 46,8 triệu đồng; 218,4 giờ

8. Xây dựng: 64,1 triệu đồng; 108,9 giờ

Lý giải vị trí cuối cùng của nhóm thủ tục xây dựng, báo cáo nêu rõ, mặc dù chi phí thời gian của nhóm này không ở nhóm cao nhất, nhưng chi phí trực tiếp cao vượt trội đã làm nhóm thủ tục này trở nên đắt đỏ bậc nhất. Với mỗi triệu đồng mà doanh nghiệp phải chi trả thì 0,93 triệu đồng là chi phí trực tiếp doanh nghiệp cần để hoàn thiện hồ sơ và 0,07 triệu đồng là chi phí thời gian.

Còn về nhóm thủ tục quán quân là thuế, báo cáo cho biết vị trí quán quân này có thể được lý giải bởi những nỗ lực cải cách của ngành thuế dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.

"Công tác chuẩn bị hồ sơ của doanh nghiệp rất phức tạp. Khâu chuẩn bị hồ sơ, hoàn tất chiếm 55% chi phí, là khâu chiếm chi phí lớn nhất, khâu nộp hồ sơ và trả kết quả chiếm 33%. Như vậy, dư địa cải cách còn rất nhiều", ông Ngô Hải Phan cho biết.

APCI 2018 cũng cho thấy chi phí thực hiện cùng một thủ tục có sự khác biệt giữa các địa phương. 

Cụ thể về thủ tục xây dựng, các tỉnh tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có mức chi phí tuân thủ cao nhất, gấp gần 2,3 lần so với mức trung bình trên cả nước. Trong khi đó, mức chi phí tuân thủ tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ tương đương 20% mặt bằng chung toàn quốc.

"Chi phí trực tiếp tại các tỉnh trọng điểm Bắc Bộ cao hơn so với các tỉnh trọng điểm phía Nam, đây là căn cứ để các địa phương chấn chỉnh, kể cả công tác cán bộ", ông Ngô Hải Phan nhận xét.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top