Trong 45 nhóm hàng hoá xuất khẩu, điện thoại và các loại linh kiện đóng góp gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu; dệt may góp hơn 12%; giày-dép góp gần 7%. Đây là những thành phần chủ lực tạo nên tổng kim ngạch xuất khẩu gần 135 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm nay.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt 266,17 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Cả xuất khẩu và nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2018 đều giữ được nhịp tăng cao so với cùng kỳ năm 2017. Trị giá xuất khẩu đạt 134,51 tỷ USD, tăng 16% và nhập khẩu đạt 131,66 tỷ USD, tăng 11,1%.

Với sự tăng mạnh của nhập khẩu trong 3 tháng trở lại đây, cán cân thương mại hàng hóa đang trong trạng thái thặng dư từ tháng 1/2018-4/2018 đã đảo chiều sang thâm hụt trong tháng 5/2018 và tháng 7/2018. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2018, cán cân thương mại hàng hóa vẫn ở trạng thái xuất siêu 2,85 tỷ USD, diễn biến ngược lại với mức thâm hụt 2,61 tỷ USD của 7 tháng đầu năm 2017.

Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt 172 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, trị giá xuất khẩu của khối này trong 7 tháng đầu năm 2018 lên 94,2 tỷ USD, tăng 15,9% và trị giá nhập khẩu của khối này trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt 77,81 tỷ USD, tăng 10,4%. Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong 7 tháng từ đầu năm 2018 thặng dư 16,39 tỷ USD.

Trong xuất khẩu, điện thoại các loại và linh kiện là nhóm hàng đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu với mức 26,48 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, tăng 17,4% so với cùng thời gian năm trước. Trong 7 tháng, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nhóm hàng này sang các thị trường: EU với 7,79 tỷ USD, tăng 16,5%; Trung Quốc: 2,86 tỷ tăng 3,5 lần; Hoa Kỳ: 2,74 tỷ USD, tăng 22,4%; Hàn Quốc: 2,63 tỷ USD, tăng 29,4%; Tiểu vương quốc Ảrập Thống Nhất: 2,45 tỷ USD, tăng 9,4%...

Đứng thứ hai là mặt hàng dệt may với trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt 16,52 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 7,69 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng thời một năm trước đó và chiếm 46,5% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước; tiếp theo là thị trường EU đạt trị giá 2,32 tỷ USD, tăng 11,9%; thị trường Nhật Bản đạt trị giá 2,05 tỷ USD, tăng 24,2%; thị trường Hàn Quốc đạt trị giá 1,57 tỷ USD, tăng 25,1% so với một năm trước đó...

Ở chiều ngược lại của lưu chuyển hàng hoá, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 7 tháng tiếp tục tăng 11,1% với 45/54 nhóm hàng tăng so với cùng kỳ 2017. Số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD là 27/54 nhóm hàng; trong đó, tăng mạnh nhất là các nhóm hàng: than các loại tăng 71,6%; phế liệu sắt thép tăng 56,9%; kim loại thường tăng 35,6%; xơ, sợi dệt tăng 33%;  xăng dầu tăng 31,6%... so với cùng kỳ năm trước.

Đứng đầu bảng về kim ngạch nhập khẩu trong 7 tháng là nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch đạt 23,15 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện lớn nhất của Việt Nam là: Hàn Quốc với 9,79 tỷ USD, tăng 18,4%; Trung Quốc với 3,95 tỷ USD, tăng 3,4%; Nhật Bản với 2,12 tỷ USD, tăng 30,5%...

Điện thoại các loại và linh kiện đứng ở vị trí thứ hai với trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong 7 tháng đạt 7,39 tỷ USD giảm nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm 2017. Điện thoại các loại và linh kiện trong 7 tháng đầu năm 2018 chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc với 4,33 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước; từ Hàn Quốc đạt 2,58 tỷ USD, giảm 6,8%; ...

Thứ ba là vải các loại với trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong 7 tháng từ đầu năm 2018 đạt 7,39 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Vải nhập khẩu của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2018 chủ yếu từ thị trường Trung Quốc với 4,05 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng thời gian năm trước; Hàn Quốc với 1,3 tỷ USD, tăng 9%; từ Đài Loan với 932 triệu USD, tăng 3%; Nhật Bản với 433 triệu USD tăng 16,1%...

Sắt thép các loại xếp ở vị trí thứ tư với lượng nhập khẩu trong 7 tháng đạt 8,05 triệu tấn, trị giá 5,8 tỷ USD, giảm 10,4% về lượng nhưng tăng 10,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Trong 7 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam với gần 3,88 triệu tấn. Đứng thứ 2 là Nhật Bản với 1,29 triệu tấn.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top