Hiện có nhiều công ty ngành nhựa đã đầu tư từ 100 - 200 tỉ đồng xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu nhựa sử dụng nhựa tái chế nhập khẩu nhưng nay rơi vào tình cảnh không có nhựa để làm. Thông tin này được nêu ra tại cuộc họp "Tái chế nhựa phế liệu, cơ hội cho ngành nhựa Việt Nam" do Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) tổ chức ngày 14/8 tại Tp.HCM.
Kể từ ngày 1/1/2018, Chính phủ Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập 24 loại phế liệu, lượng nhựa phế liệu nhập vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018 tăng gấp đôi so với năm 2017. Năm 2017, tổng lượng nhựa phế liệu nhập vào Việt Nam khoảng 90.000 tấn.
Theo Tân Cảng Sài Gòn, đến 26/6/2018, lượng hàng tồn cảng là 4.480 container tương tương với khoảng 70.000 tấn. Tuy nhiên, theo VPA, so với lượng nhựa phế liệu xuất khẩu toàn thế giới 15,5 triệu tấn năm thì lượng nhựa phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam hàng năm không đáng kể.
Vì sao mặt hàng nhựa phế liệu tồn cảng?
Theo VPA, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hàng tồn, như do thay đổi quản lý cấp phép nhập khẩu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Những năm trước đó, việc cấp phép thuộc về Sở Tài nguyên Môi trường các tỉnh, có khoảng 25 giấy phép được cấp trong cả nước nhưng đa số hết hạn hiệu lực vào cuối năm 2017. Trước năm 2017, các doanh nghiệp không mặn mà việc nhập khẩu nhựa phế liệu do không cạnh tranh được với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Đầu năm 2018, đúng lúc Trung Quốc cấm nhập khẩu nhựa phế liệu, doanh nghiệp tái chế nhựa phế liệu vội vàng xây dựng nhà máy đáp ứng điều kiện cấp phép nhập khẩu của Bộ Tài nguyên Môi trường. Tuy nhiên, để đầu tư bài bản theo đúng yêu cầu của Bộ cần ít nhất từ 12-24 tháng.
Hàng nhập đang trên biển, Sở Tài nguyên Môi trường không có chức năng cấp phép nữa, hạ tầng kỹ thuật nhà máy chưa hoàn thiện nên dẫn đến tình trạng hàng tồn cảng. Mặt khác quy chuẩn QCVN 32- Bộ Tài nguyên Môi trường khó thực hiện trong thực tiễn.
Chỉ cần 2 tiêu chí của QCVN 32 là nhựa phế liệu phải sạch, tạp chất không quá 2% đã làm khó doanh nghiệp. Thực chất khó có thể tách tạp chất trong lô hàng để cân đo 1%, 2% hay 3%. Cũng theo Quy chuẩn QCVN 32, chỉ có 4 loại hình nhựa phế liệu được phép nhập khẩu, còn rất nhiều loại khác hiệu quả tái chế cao nhưng không được phép lẫn.
VPA cho rằng, đã là phế liệu thì bên bán không thể lúc nào cũng đóng hàng đúng 100% theo quy chuẩn của Việt Nam. Nếu bên bán đóng hàng vào container lẫn một ít loại khác, cả lô hàng sẽ bị đánh giá là chất thải không được phép nhập khẩu. Đại diện một doanh nghiệp trong ngành nhựa cho rằng, QCVN 32 quy hoạch 10 năm nên đã lạc hậu, khi doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nhập khẩu nhựa phế liệu thì lại vướng quy định này.
Bên cạnh đó, hàng tồn còn do các văn bản quản lý mới của Tổng cục Hải quan, do các cảng không làm được thủ tục thông quan mặt hàng nhựa đã qua sử dụng như trước đây. Hàng đã qua sử dụng vẫn còn công năng sử dụng như bao tải cẩu bằng nhựa, màng nhựa là hàng sạch, sử dụng trong đóng gói và làm màng phủ trong nông nghiệp. Mặt hàng không nằm trong danh mục cấm nhập khẩu của Bộ Công Thương, doanh nghiệp được quyền kinh doanh.
Thực tế, doanh nghiệp vẫn nhập khẩu và kinh doanh mặt hàng này những năm qua. Tuy nhiên, theo văn bản số 4202 của Tổng cục Hải quan, hải quan các cảng không thể tiếp tục thông quan được các mặt hàng này.
Doanh nghiệp trước nguy cơ thiệt hại
Theo các doanh nghiệp ngành nhựa, việc siết chặt nhập khẩu nhựa phế liệu có nguy cơ gây thiệt hại cho doanh nghiệp như chi phí lưu container hãng tàu thu từ 50 USD/ngày-100 USD/ngày. Nhưng thiệt hại lớn hơn là doanh nghiệp không có nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu.
Ông Trần Vũ Lê, Giám đốc Công ty TNHH nhựa Lê Trần cho biết, nếu sắp tới không có đủ nguồn nguyên liệu nhựa tái chế làm nguyên liệu sản xuất thì phải đền hợp đồng cho đối tác mua hàng. Còn để thực hiện hợp đồng, không có nhựa tái chế, phải dùng nguyên liệu "zin" thì có nguy cơ lỗ tới 10 triệu USD năm nay.
Ông Lê cũng cho biết, có nhiều công ty ngành nhựa đã đầu tư từ 100 - 200 tỉ đồng xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu nhựa sử dụng nhựa tái chế nhập khẩu nhưng hiện rơi vào tình cảnh không có nhựa để làm. Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch VPA cho rằng, nên giải quyết cho các doanh nghiệp có giấy phép, có đủ điều kiện.
Cụ thể, VPA kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường đưa thông tin các công ty đã được cấp phép lên cổng thông tin điện tử quốc gia để cơ quan hải quan nắm bắt kịp thời, chỉ tiếp nhận khai báo làm thủ tục nhập khẩu cho các công ty đã có tên trên cổng thông tin điện tử. Tập trung nhân lực, đẩy nhanh việc cấp phép nhập khẩu nhựa phế liệu mới cho các doanh nghiệp đã đầu tư đúng quy chuẩn.
Đồng thời xem xét mở rộng quy chuẩn QCVN 32, đưa tất cả các loại nhựa có thể tái chế không lẫn tạp chất nguy hại vào danh mục nhựa phế liệu được phép nhập khẩu hoặc ít nhất phải có thêm các loại ống, tấm, khay, màng, bao bì, đồ chơi.. nhằm mục đích tận dụng nguồn nguyên liệu và tránh tồn cảng trong tương lai khi lô hàng nhập có lẫn các loại nhựa này.
VPA cũng kiến nghị Chi cục Hải quan các tỉnh, thành phố thống nhất thực hiện kiểm soát thông quan mặt hàng nhựa phế liệu theo Nghị định 38/CP, Thông tư 41. Đây là văn bản quản lý chuyên ngành rất rõ ràng và chi tiết, không ban hành thêm các văn bản quản lý chồng chéo, làm tình trạng hàng tồn cảng thêm trầm trọng.
Bên cạnh đó, cho thông quan tất cả các container hàng nhựa đã qua sử dụng đang tồn tại cảng biển như trước đây. Nếu có thay đổi chính sách không cho nhập khẩu mặt hàng này thì cần phải được ban hành theo văn bản quy phạm pháp luật và có thời gian ân hạn cho doanh nghiệp chuẩn bị.
Post a Comment