Những thảo luận gần đây về quản lý Uber, Grab cho thấy cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang loay hoay "nhét" mô hình mới vào cách quản lý cũ, hệ thống hành chính cũ đang phải đối mặt với sự phát triển quá nhanh của công nghệ.

Đó là nhận định của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI tại toạ đàm xu hướng chính sách đối với kinh tế nền tảng do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 1/8.

Theo ông Trần Trọng Tuyển, Tổng thư ký VECOM thì mô hình kinh tế nền tảng (hoạt động kinh tế - xã hội dựa trên các nền tảng số) đã phát triển mạnh mẽ trên thế giới và tại Việt Nam, nhận được sự ủng hộ và đánh giá tích cực nhờ vào những lợi ích mà các nền tảng mang lại như tăng năng suất, giảm chi phí, tạo ra các thị trường mới cũng như gia tăng sự linh hoạt của thị trường lao động.

Tuy nhiên, vị này cho rằng mô hình kinh tế nền tảng đã dần bộc lộ một số khiếm khuyết cần đến sự can thiệp của nhà nước để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người lao động, chống thất thu thuế với các nền tảng hoạt động xuyên biên giới. Trong bối cảnh đó, dường như Việt Nam chưa có một sự tiếp cận chính sách và ứng xử nhất quán, cũng như đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc xây dựng các quy định đối với các mô hình kinh tế mới này.

Chứng minh cho sự thiếu nhất quán, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề cập cụ thể vào xu hướng quản lý trong ngành vận tải ở Việt Nam. Sự ra đời nhanh chóng của các giải pháp sử dụng nền tảng công nghệ thông tin kết nối dịch vụ vận tải (như Uber, Grab) đã đặt ra một số thách thức với quy định pháp luật hiện hành. Và các nhà kinh doanh vận tải đang phân tâm về nghị định 86.

Theo vị chuyên gia này, dự thảo mới nhất của nghị định về kinh doanh và điều kiện về kinh doanh vận tải bằng xe ôtô (thay thế nghị định 86/2016/NĐ-CP) đưa ra nghị định nghĩa mới về kinh doanh vận tải, trong đó coi "phần mềm kết nối" nếu tham gia vào công đoạn "quyết định giá, điều hành xe" sẽ là hoạt động kinh doanh vận tải.

Với định nghĩa này, các công ty cung cấp dịch vụ ứng dụng kết nối sẽ đều được coi là đơn vị kinh doanh vận tải, và do đó, phải tuân thủ toàn bộ các điều kiện và quy định về kinh doanh vận tải, bao gồm cả sở hữu phương tiện và thuê người lao động là lái xe...

Ông Long cho rằng, quan điểm mới trên sẽ có những tác động tiêu cực. Như, triệt tiêu chuyên môn hoá, gây ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển nền tảng và gây ra chồng chéo trong thực thi.

Việc buộc các doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng điều kiện của toàn bộ quá trình kinh doanh vận tải là một sự bất công, ông Long nhấn mạnh. Vị diễn giả này cho rằng quy định này không những làm biến đổi bản chất hoạt động của nền tảng mà còn triệt tiêu phần lớn những ưu điểm công nghệ mang lại, biến nền tảng thành một kênh liên lạc đơn thuần.

Quy định này sẽ gây tác động tiêu cực cả các nền tảng trong nước như VATO, EMDDI, Gonow (của Viettel), T.net (của FPT) lẫn nền tảng ngoại (Grab, Fastgo...), ông Long nhận định.

Bất cập của định nghĩa mới, theo ông Long còn ở chỗ tạo nên sự chồng chéo trong quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm giữa các bên khi đơn vị cung cấp nền tảng hợp tác với đơn vị vận tải. Khi đó, hai chủ thể khác biệt sẽ phải chịu trách nhiệm cho cùng một hành vi kinh doanh là vận chuyển hành khách, từ trách nhiệm với cơ quan quản lý, trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông cho tới trách nhiệm với hành khách.

Cũng đề cập trường hợp gây tranh cãi Uber, Grab, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương (Viện Nhà nước và pháp luật) khẳng định, dù có tranh cãi, nhưng chắc chắn một điều được thừa nhận rộng rãi rằng, các doanh nghiệp không nhất thiết phải thực hiện tất cả các công đoạn của một chuỗi cung ứng dịch vụ. Người ta có thể lựa chọn một hoặc trong một số các công đoạn để đầu tư. Và đây cũng chính là lý do để kinh tế nền tảng, đặc biệt là nền tảng giao dịch hay trung gian kết nối có sự phát triển mạnh mẽ tronh những năm qua ở pham vi toàn cầu.

Nhiều ý kiến sau đó về ứng xử với kinh tế nền tảng đều nhắc đến Uber, Grab như một điển hình của sự loay hoay.

Liên quan đến yếu tố quyết định giá trong định nghĩa mới về kinh doanh vận tải tại dự thảo của Bộ Giao thông vận tải, một vị diễn giả cho rằng cần phải thấy rõ được sựu khác nhau về bản chất của hai hiện tượng quyết định giá (ý chí của chủ thể tham gia hợp đồng) và đề xuất giá (thông số được đưa ra trên cơ sở tổng hợp các dữ liệu liên quan, theo thuật toán của nền tảng).

Nếu dự thảo thay thế nghị định 86 được ban hành thì sẽ tiếp tục gây "bão", ông Dương dự báo.

Xoay quanh việc ứng xử thế nào với mô hình mới như Grab, quan điểm chung của nhiều vị tham gia toạ đàm là bên cạnh tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thúc đẩy cạnh tranh cũng cần quan tâm giảm "gánh nặng" cho khu vực taxi truyền thống về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, đó là những điều nằm trong tầm tay của nhà nước.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top