Ngày 13/8, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ 3 và đi đến thống nhất phương án tăng lương tối thiểu năm 2019 với mức tăng bình quân 5,3% so với năm 2018.
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng 1 sẽ tăng từ 3.980.000 lên 4.180.000 đồng; vùng 2 từ 3.530.000 lên 3.710.000 đồng; vùng 3 từ 3.090.000 lên 3.250.000 đồng; vùng 4 từ 2.760.000 lên 2.920.000 đồng. So với mức hiện tại, lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 160.000 đến 200.000 đồng.
Mức tăng bình quân 5,3% sẽ được Hội đồng tiền lương trình Chính phủ phê duyệt.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia ông Doãn Mậu Diệp cho biết, trước khi chốt phương án 5,3%, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - đại diện cho người lao động, đề xuất mức tăng tối thiểu bằng với mức tăng năm 2018, là 6,1%. Trong khi đó, đại diện cho giới chủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại đề xuất mức tăng tối đa là 5,1%.
"Tôi hài lòng với mức tăng 5,3% trong năm 2019. Đây là mức mà người lao động ngoài việc bù trượt giá 4%/năm thì vẫn còn có mức tăng trưởng, tích lũy. Và với mức này, doanh nghiệp cũng có thể chi trả được. Đây là mức tăng hài hòa, có thể làm hai cùng chấp nhận được", ông Diệp nói.
Phó Chủ tịch VCCI Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho rằng Hoàng Quang Phòng, cho hay: "Chúng tôi mong muốn tăng 5,1% hơn, nhưng do Hội đồng tiền lương quyết định nên chúng tôi cũng đồng ý mức 5,3%. Với mức tăng này, các doanh nghiệp sẽ phải phấn đấu để có thể đáp ứng được yêu cầu".
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động, mức chi tiêu tối thiểu của người lao động là 6,5 triệu đồng mỗi tháng, trong khi đó tiền lương cơ bản họ nhận được trung bình là 4,6 triệu đồng. Do đó, người lao động phải làm thêm trung bình 28 giờ để nhận được thêm hơn 800.000 đồng/tháng.
Khi so sánh thu nhập với chi tiêu của các gia đình, 17% người lao động cho biết họ có dư dật và tích luỹ; 43% vừa đủ trang trải cuộc sống; 26% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12% cho biết thu nhập không đủ sống và phải làm thêm giờ.
Post a Comment