116 chính sách hiện hành về dân tộc, miền núi đã bao phủ hết mọi lĩnh vực nhưng hạn chế là chính sách vẫn ngắn hạn, mang tính nhiệm kỳ...
Đó là nhận định của Phó thủ tướng Trương Hoà Bình trong phát biểu giải trình cuối phiên chất vấn sáng 13/8 tại phiên họp thứ 26 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Phó thủ tướng, dân tộc thiểu số và miền núi có vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Chính phủ đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế chính sách, nỗ lực chỉ đạo triển khai thực hiện. 116 chính sách hiện hành về dân tộc thiểu số và miền núi đã bao phủ hết mọi lĩnh vực. Việc thực hiện các chính sách đã cải thiện đáng kể về hạ tầng, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, bộ mặt miền núi có nhiều đổi mới.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng đánh giá, việc thực hiện chính sách dân tộc còn một số tồn tại hạn chế, vẫn ngắn hạn, một số chính sách còn mang tính nhiệm kỳ nên có mặt hiệu quả chưa cao.
Một số chính sách còn chưa sát đặc điểm vùng miền, còn nặng hỗ trợ trực tiếp, chưa khuyến khích người dân vươn lên tự thoát nghèo, Phó thủ tướng nhìn nhận.
Hạn chế tiếp theo được Phó thủ tướng đề cập là chưa có thống kê riêng về nguồn lực dành cho dân tộc và miền núi, việc lồng ghép phân bổ vốn còn nhiều bất cập, thu hút nguồn lực xã hội còn hạn chế. Sự phối hợp trong thực hiện ban hành chính sách chưa thật chặt chẽ, hiệu quả, chưa thống nhất tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số miền núi, chưa sáng tạo phát huy tiềm năng để phát triển kinh tế cho vùng dân tộc miền núi...
Trong phát biểu, Phó thủ tướng cũng đề cập các giải pháp để phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số, miền núi, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển.
Như, chỉ đạo quyết liệt thực hiện mục tiêu đề ra về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững và các chương trình dự án khác.Ưu tiên bố trí ngân sách, xây dựng và triển khai đề án tập trung cho thôn bản khó khăn cho 35 tỉnh.
Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo bộ ngành, trình cấp có thẩm quyền bố trí ngân sách ở mức cao nhất; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng vốn thực hiện chính sách, nghị quyết của Chính phủ năm 2018 đã xác định sử dụng nguồn vốn kinh phí còn lại, phần tiết kiệm chi thường xuyên và dự phòng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn để cân đối bổ sung một phần nguồn lực để địa phương thực hiện. Cùng với đó là thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này, khai thác lợi thế để phát triển kinh tế lâm nghiệp, cây đặc sản, chăn nuôi, du lịch...
Giải pháp tiếp theo được Phó thủ tướng nêu là tiếp tục đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo; thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ gạo, tiền; đầu tư phát triển hệ thống y tế; đào tạo nhân lực y tế để chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao chất lượng dân số, gắn mục tiêu phát triển bền vững...
Cho biết là đã trực tiếp đi khảo sát, làm việc chuyên đề ở trên 20 tỉnh, thành phố, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của đồng bào, Phó thủ tướng chia sẻ với nhiều ý kiến mà các Bộ trưởng khác đã trả lời cũng như các vấn để được đại biểu nêu.
Với quan điểm được Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến hơn một lần nhấn mạnh khi trả lời chất vấn là việc tích hợp chính sách cho dân tộc miền núi thành chương trình mục tiêu đủ tầm, Phó thủ tướng nói việc này đòi hỏi cần sơ kết, tổng kết đánh giá kỹ.
Trước đó, trong chất vấn, một số vị đại biểu ở các vùng miền trong cả nước cho rằng, chính sách dân tộc, miền núi còn quá phân tán, dẫn đến chồng chéo, có chính sách ban hành hai năm rồi vẫn chưa có kinh phí để thực hiện.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nêu khó khăn là Uỷ ban này là cơ quan ngang bộ nhưng không phải bộ, không phải cơ quan quản lý nhà nước. Quan điểm của ông Chiến là nếu không thành lập được Bộ thì cũng cần tổ chức lại để hoat động đúng tính chất Ủy ban có sự tham gia của các Bộ trưởng, trưởng ngành và có một phó thủ tướng chủ trì họp định kỳ.
Việc này, theo Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cần được nghiên cứu một cách khoa hoc, giao các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất cụ thể.
Post a Comment