Tại sao những hoạt động mang tính phong trào, khởi công, động thổ, những hoạt động khác lãnh đạo vẫn đi được mà đối thoại với dân thì 3 năm 260 vụ không được một vụ nào?

Đó là vấn đề được Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt ra khi xem xét báo cáo giám sát việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch uỷ ban nhân dân, uỷ ban nhân dân.

Sáng 22/8, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên thứ 10, cho ý kiến về dự thảo báo cáo giám sát nội dung trên.

Không đối thoại nhưng thua lại có ý kiến

Nhận được những phê phán gay gắt nhất qua kết quả giám sát chính là việc chủ tịch uỷ ban nhân dân ngày càng lười đến toà khi dân kiện chính quyền nhưng khi bị tuyên thua kiện thì lại không chấp hành.

Đoàn giám sát cho biết, tỷ lệ chủ tịch uỷ ban nhân dân và người đại diện của uỷ ban nhân dân không tham gia phiên toà năm 2017 tăng gấp 3 lần so với trước khi thực hiện luật tố tụng hành chính 2015.

Theo báo cáo của Đoàn giám sát tại thành phố Hà Nội, trong 3 năm, Toà án nhân dân thành phố xét xử 189 vụ án nhưng chưa có vụ án nào Chủ tịch uỷ ban nhân dân, phó chủ tịch Hà Nội tham gia tố tụng. Còn theo báo cáo của Đoàn giám sát tại Tp.HCM, năm 2017 có 260/260 vụ (chiếm 100%) không tổ chức đối thoại được do Chủ tịch và đại diện uỷ ban nhân dân vắng mặt tại toà án thành phố.

Thừa nhận án hành chính đạt tỷ lệ giải quyết thấp nhất, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình lý giải "tòa không vượt qua được những nguyên nhân khách quan". Mà một trong những nguyên nhân đó chính là theo quy định, chính quyền phải đối thoại trước khi tòa nhận hồ sơ thì nhiều nơi không làm đối thoại nên tòa không thụ lý được, phải đề nghị người dân về đối thoại.

Tuy nhiên, Chánh án cũng chia sẻ với các chủ tịch uỷ ban nhân dân. Bởi, nếu các vị này ra tòa liên tục, như một năm Tp.HCM, Hà Nội có khoảng 2.000 vụ, mỗi ngày xử phải 3 vụ thì mỗi ngày phải có 3 ông chủ tịch, phó chủ tịch ra tòa.

Liên quan đến việc một số chủ tịch, uỷ ban nhân dân không tự nguyện thi hành án, ông Bình cho rằng lý do chính nằm ở chỗ quá trình tố tụng chính quyền không tham gia đối thoại, tố tụng, khi tòa tuyên chính quyền thua thì chính quyền có ý kiến trở lại, tại sao thế này, tại sao thế kia và kháng nghị.

Đề nghị xem xét trách nhiệm

Chánh án Nguyễn Hoà Bình chia sẻ, nhưng nhiều ý kiến khác cho rằng lý do không hẳn như ông nói.

Ở Tp.HCM, 3 năm có 260 vụ, lãnh đạo uỷ ban nhân dân không tham gia đối thoại bất cứ một vụ nào, không tham gia phiên tòa. Như vậy có phải do không đủ số phó? Ít ra cũng phải tham gia được mấy vụ. Như vậy có tôn trọng luật của Quốc hội không? Chẳng lẽ trong ba năm trời ở một thành phố lớn không cử được một đồng chí phó nào cả?, Chủ nhiệm Lê Thị Nga phản biện.

Chúng tôi xem ti vi thấy các đồng chí đi khởi công, đi động thổ, đi dự cuộc hội nghị ngành nọ, ngành kia cũng đi được. Sao không tham gia đối thoại được độ 10 vụ đi. Tại sao những hoạt động mang tính phong trào, khởi công, động thổ, những hoạt động khác lãnh đạo vẫn đi được? Đây là câu hỏi cử tri phản ánh với đại biểu. Còn nói 260/260 vụ nói là không thể nào cử được vì không đủ cấp phó thì có giải thích được không? bà Nga nói tiếp.

Liên quan đến việc khi tòa tuyên án rồi, một số chính quyền, một số người đứng đầu phản ứng quyết liệt, Chủ nhiệm Nga đặt vấn đề: tại sao anh ban hành quyết định tác động đến quyền lợi của người ta, luật quy định anh phải tham gia đối thoại tìm cách giải quyết anh lại không tham gia tới khi phán quyết thì giãy nảy lên nói không chấp hành vì tòa không đúng?

Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, ông Trần Hồng Hà cho rằng không thể nói là bận công việc không thể đối thoại hay đến toà được, vì đó những việc liên quan đến quyền con người, quyền công dân, các vấn đề kinh tế cũng không quan trọng bằng.

Nhấn mạnh tình trạng "trốn" đối thoại, trốn đến toà ở hai thành phố lớn nhất nước, ông Hoàng Văn Hùng, Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp khẳng định đây là chưa có ý thức với nhân dân. Ông Hùng cũng ngạc nhiên khi không chấp hành bản án tức là không chấp hành quy định của pháp luật mà chưa ai bị xử lý gì cả.

Tôi đi giám sát, có ông còn bảo tôi còn làm bí thư thì tôi chưa chấp hành bản án này, đó là sự thách thức, nếu không có biện pháp mạnh thì không ổn, ông Hùng nói.

Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho rằng Bộ Tư pháp cần tham mưu cho Chính phủ, để Chính phủ có chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục, xem xét trách nhiệm của những người đứng đầu cấp chính quyền không thực hiện, vi phạm pháp luật, mà địa chỉ đã lồ lộ trong báo cáo giám sát.

Liên quan đến những hạn chế trong lĩnh vực giám sát, ông Học bình luận, ngoài yếu tố khách quan còn có yếu tố chủ quan, ngại va chạm trong quá trình thực hiện việc kiểm sát, xét xử, thi hành án.

Nhấn mạnh đã là cơ quan kiểm sát, xét xử phải thượng tôn pháp luật, không chịu bất cứ một sức ép nào, song ông Học cũng nhận định cái này khó, vì có những sức ép vô hình.

Phải có chỉ đạo để chấm dứt sự can thiệp trái pháp luật của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động xét xử. Thực tế là ở các địa phương có câu chuyện các cấp ủy Đảng can thiệp sâu, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động xét xử của các cơ quan tư pháp. Vấn đề này chúng ta phải nói rõ ràng, Đảng không buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp nhưng không được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động chuyên môn của các cơ quan tư pháp, ông Học phát biểu.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top