Cứ thế này thì e là ra Quốc hội sẽ rất vất vả, khó khăn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Phùng Văn Hùng nhận xét về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch.

Tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 8, sáng 10/10 Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra dự án luật này.

Theo tờ trình của Chính phủ thì việc ban hành luật là để đồng bộ với Luật Quy hoạch (có hiệu lực từ 1/1/2019), tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch, góp phần đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh.

Nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến 37 luật thuộc các lĩnh vực giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông, xây dựng, văn hóa, thể thao và du lịch;, quốc phòng, y tế, công thương, lao động - thương binh và xã hội, tài chính và tư pháp.

Nhất trí với sự cần thiết ban hành luật để bảo đảm các quy định về quy hoạch có hiệu lực thi hành cùng với Luật Quy hoạch từ ngày 1/1/2019 song nhiều ý kiến tại phiên họp còn băn khoăn về nhiều quy định còn khiên cưỡng, nhiều nội dung còn giao cho Chính phủ quy định dẫn đến tình trạng luật ống, thậm chí có quy định còn mâu thuẫn với một số luật hiện hành.

Một trong những vấn đề khó được Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh liên quan đến việc sửa đổi bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực xây dựng.

Tờ trình của Chính phủ cho biết, Luật Xây dựng được sửa đổi theo hướng xác định rõ các loại quy hoạch xây dựng để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch. Theo đó, quy hoạch xây dựng bao gồm quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện.

Chính phủ giải thích, quy hoạch xây dựng tỉnh sẽ cụ thể hoá nội dung quy hoạch tỉnh, bao gồm thuyết minh, bản vẽ, chỉ dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng, làm cơ sở triển khai lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch khu chức năng và các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị như cấp nước, thoát nước, chuẩn bị kỹ thuật, xử lý nước thải, nghĩa trang trên địa bàn tỉnh.

Giữa tháng 9 vừa qua, thẩm tra sơ bộ dự án luật, liên quan đến vấn đề trên, đa số ý kiến của thường trực Uỷ ban Kinh tế cho rằng, trên cùng một phạm vi lãnh thổ cấp tỉnh, việc tồn tại hai loại quy hoạch là quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh (quy hoạch cùng cấp) với nội dung, phạm vi và mức độ chi tiết giống nhau là không hợp lý.

Các tỉnh sẽ phải đồng thời lập hai loại quy hoạch trên gây lãng phí thời gian và kinh phí cho xã hội, tạo thêm thủ tục chồng chéo, gây khó khăn, phức tạp trong quá trình xây dựng, triển khai và thực hiện.

Vấn đề được Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đặt ra tại phiên thẩm tra này là trong khi chưa làm rõ được sự khác nhau giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh thì dự thảo luật mới nhất lại giao Chính phủ quy định chi tiết về quy hoạch xây dựng tỉnh. Thảo luận ở Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 9 cũng còn nhiều luồng ý kiến, ông Thanh cho biết.

Là người đầu tiên nêu ý kiến tại phiên thẩm tra, thành viên Ủy ban Kinh tế, Phó tổng kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh cho rằng không nên quy định quy hoạch xây dựng tỉnh mà nên có phương án hoặc đồ án phân bổ không gian xây dựng.

Cũng nhấn mạnh quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh là nội dung đã được bàn rất nhiều, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế, đại biểu Đỗ Văn Sinh nhận xét, đến nay Chính phủ cũng chưa làm rõ được sự khác nhau giữa quy hoạch xây dựng tỉnh và quy hoạch tỉnh. Theo so sánh của ông thì từ phạm vi cho đến các quy định cụ thể đều trùng lặp rất nhiều.

Nhận xét chung về dự thảo luật, đại biểu Trần Hồng Nguyên, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật cho rằng việc xác định tính chất của quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn chưa phù hợp với Luật Quy hoạch, nhiều quy định còn khiên cưỡng, thiếu thống nhất.

Dự thảo luật giao Chính phủ quy định nội dung đồ án quy hoạch xây dựng tỉnh, nhưng cơ sở để xây dựng đồ án lại thiếu, bà Nguyên nhận xét.

Nêu rõ đây là lần đầu tiên một luật sửa đến 37 luật, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế, ông Phùng Văn Hùng cho rằng nhiều nội dung chưa tiếp thu nghiêm túc ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 9/2018. Và nếu dự thảo này trình ra Quốc hội thì e rằng sẽ rất khó khăn.

Phát biểu tại phiên thẩm tra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh khẳng định sự cần thiết phải có quy hoạch xây dựng tỉnh. Đây là chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ từ khi xây dựng Luật Quy hoạch đến nay, mặc dù còn nhiều ý kiến bà Linh nói.

"Chúng tôi đã rà soát và thấy rằng quy hoạch xây dựng tỉnh đã tồn tại 50 năm rồi và là công cụ rất là quan trọng để quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh và khi rà soát cũng không có vướng mắc trước và sau khi có Luật Quy hoạch", bà Linh nói tiếp.

Khẳng định lại sự cần thiết ban hành luật, song Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý các quy định phải tuân thủ nguyên tắc đã được nêu tại Luật Quy hoạch và phải cụ thể, chi tiết mới khả thi.

Trước băn khoăn của nhiều đại biểu về quy hoạch xây dựng tỉnh, ông Thanh gợi ý nên chăng có phương an phân bổ không gian xây dựng như góp ý của Phó tổng kiểm toán Đặng Thế Vinh.

Ông Vũ Hồng Thanh cũng cho biết sẽ trình hết các phương án để Quốc hội cho ý kiến đa chiều trước khi bấm nút thông qua dự luật rất khó này.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top