Việc hoàn thiện và thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) dự án giải phóng mặt bằng đã chậm so với yêu cầu.

Đó là thông tin từ báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai dự án sân bay Long Thành mới được gửi đến Quốc hội.

Sân bay Long Thành là công trình có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng, chậm nhất 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1.

Giai đoạn này đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Chính phủ cho biết, ngày 2/6/2018, chủ đầu tư dự án - ACV đã ký Hợp đồng lập F/S với Tư vấn JFV, gồm các công ty tư vấn JAV (của Nhật Bản) - APDi (cộng hòa Pháp) - Nippon Koei (Nhật Bản) - OC Global (Nhật Bản) - ADCC (Việt Nam) - TEDI (Việt Nam) về việc thực hiện gói thầu tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1.

Đồng thời, Tư vấn JFV cũng đã ký hợp đồng thầu phụ đặc biệt với Tư vấn HEERIM của Hàn Quốc (tác giả của phương án kiến trúc "Hoa Sen") về việc lập thiết kế cơ sở nhà ga hành khách. Theo kế hoạch, đến tháng 7/ 2019, Tư vấn sẽ hoàn thành F/S.

Đến nay, Tư vấn đã và đang triển khai một số công việc, như cập nhật nhu cầu giao thông hàng không; thu thập dữ liệu phục vụ phân tích tài chính sơ bộ; thu thập dữ liệu làm cơ sở thiết kế quy hoạch vùng trời; nghiên cứu điều chỉnh mặt bằng kiến trúc nhà ga hành khách, điều chỉnh kích thước đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đậu tàu bay cho phù hợp với các quy định hàng không mới nhất trên thế giới; thực hiện nghiên cứu hệ thống giao thông kết nối với sân bay Long Thành và quy hoạch thiết kế địa thế cho tổng thể công trình.

Về báo cáo đánh giá tác động môi trường, theo báo cáo, ngày 25 /7/2018, ACV đã ký kết hợp đồng với Tư vấn là Liên danh giữa Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải với Trung tâm Môi trường và Sinh thái ứng dụng với thời gian lập báo cáo đánh giá tác động môi trường là 9 tháng (hoàn thành vào cuối tháng 3 năm 2019). Báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ được lập song song với quá trình lập F/S và sẽ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường để thẩm định, phê duyệt trước khi trình F/S cho Hội đồng thẩm định nhà nước. Hiện nay, Tư vấn đang thực hiện.

Riêng dự án giải phóng mặt bằng, thời gian thực hiện từ 2017 đến 2021 với tổng mức đầu tư 22.856 tỷ đồng đang có khó khăn.

Quy mô dự án là thu hồi đất một lần cho toàn bộ 5.000 héc-ta để xây dựng sân bay và 364,21 héc-ta để xây dựng 22 khu tái định cư. Tổng số trường hợp bị thu hồi đất và ảnh hưởng là 4.864 hộ gia đình với 15.557 nhân khẩu và 26 tổ chức sử dụng đất.

Dự án phải đầu tư xây dựng 2 khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (282,35 héc-ta) cho 4.805 hộ và phân khu III Khu dân cư, tái định cư Bình Sơn (81,86 héc-ta) cho 391 hộ.

Nhiệm vụ của dự án còn là tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống của người dân.

Về tiến độ, hiện nay, Hội đồng thẩm định nhà nước đang rà soát, hoàn thiện nội dung báo cáo thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án giải phóng mặt bằng.

Song song với quá trình hoàn thiện F/S dự án giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Đồng Nai đã thực hiện các công tác chuẩn bị. Gồm, triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hệ thống chính trị và người dân trong vùng dự án.

 Xây dựng và phê duyệt đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân thuộc dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

 Hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ và kiểm đếm sơ bộ tài sản trên đất đối với phần diện tích đất trồng cây cao su của Công ty TNHH MTV Tổng công ty cao su Đồng Nai (khoảng 2.200 ha) thuộc dự án.

Đánh giá tình hình thực hiện, báo cáo nêu rõ, việc hoàn thiện và thẩm định F/S dự án giải phóng mặt bằng đã chậm so với yêu cầu.

Nguyên nhân là do chưa có quy định cụ thể của pháp luật và việc lập F/S dự án giải phóng mặt bằng chưa có tiền lệ nên UBND tỉnh Đồng Nai gặp một số khó khăn, lúng túng trong quá trình lập, hoàn thiện F/S cũng như lập báo cáo ĐTM của dự án.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết, phần lớn diện tích đất cần bàn giao cho Bộ Giao thông Vận tải để xây dựng sân bay Long Thành là diện tích đất vườn cây cao su của Công ty TNHH MTV Tổng công ty cao su Đồng Nai (khoảng 1.099 ha/1.165 ha cần bàn giao) và khoảng gần 200 hộ dân.

Hiện nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo cắm mốc, kiểm đếm sơ bộ tài sản trên phần diện tích này. Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Nai đã làm việc với Công ty TNHH MTV Tổng công ty cao su Đồng Nai để có thể bàn giao toàn bộ diện tích đất vườn cây cao su nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng trong năm 2019.

Đối với phần diện tích đất của gần 200 hộ dân, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung triển khai giải phóng mặt bằng trước, phấn đấu bàn giao đất vào cuối năm 2019 để Bộ Giao thông vận tải triển khai rà phá bom mìn và các công việc liên quan đến triển khai dự án, báo cáo nêu rõ.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top