Theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến năm 2019 sẽ bố trí 47.616 tỷ đồng để chi cho quản lý nhà nước, đoàn thể... tăng 1.500 tỷ đồng (3,3%) so với dự toán năm 2018. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc bố trí dự toán chi lĩnh vực này trong những năm gần đây vẫn tiếp tục tăng cao.

Lên phương án thanh toán nợ các dự án BT

Ngày 22/10, sau khi Chính phủ báo cáo về ngân sách, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trình bày báo cáo thẩm tra các nội dung về ngân sách và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019.

Đối với kế hoạch phân bổ chi đầu tư phát triển, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, về tổng thể, dự kiến phương án phân bổ vốn đầu tư năm 2019 đã bám sát các nguyên tắc và định hướng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, đã bố trí vốn tập trung hơn, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên bố trí thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, các dự án chuyển tiếp.

Về thứ tự ưu tiên phân bổ vốn, Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý Chính phủ cân nhắc cần bố trí nguồn vốn đầu tư hỗ trợ cao hơn cho các tỉnh khó khăn, bị thiệt hại nặng nề về thiên tai trong năm 2018 và các tỉnh khó khăn để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học.

Đặc biệt, liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ 2 ngân hàng chính sách, nợ thanh toán các dự án BT theo cam kết hợp đồng đến hạn phải trả, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ thực hiện rà soát, đánh giá đầy đủ số liệu các khoản nợ của ngân sách nhà nước và xây dựng phương án thanh toán nợ cụ thể, bố trí vốn thanh toán theo đúng chủ trương và kế hoạch đề ra.

Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, theo báo cáo Chính phủ dự kiến phân bổ vốn năm 2019 đối với hai chương trình mục tiêu quốc gia là 24.169 tỷ đồng, song Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, đây là mức dự toán tích cực hơn so với năm 2018 nhưng vẫn thấp so với số vốn dự kiến phải bố trí trong 2 năm 2019-2020.

Do đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cân nhắc bố trí nguồn lực năm 2019 cao hơn mức dự kiến để đạt được mục tiêu đề ra đối với 2 chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội.

Liên quan đến các chương trình mục tiêu, Chính phủ đã dự kiến phương án phân bổ tổng thể các chương trình mục tiêu cho các địa phương nhưng chưa phân bổ chi tiết vốn đầu tư phát triển theo từng chương trình, nên Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ hoàn thành phương án phân bổ để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Ngoài ra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng lưu ý, Chính phủ chưa báo cáo phân bổ chi tiết chi đầu tư phát triển cho các bộ, ngành, cơ quan trung ương theo lĩnh vực theo quy định của Nghị quyết 343/2017/UBTVQH14.

Chi quản lý nhà nước, đoàn thể vẫn cao

Về phương án phân bổ chi thường xuyên năm 2019, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ làm rõ thẩm quyền phân bổ, sử dụng các khoản chi lĩnh vực của ngân sách trung ưng chưa phân bổ.

Theo cơ quan này, thực chất đây là các khoản bố trí thực hiện các chế độ, chính sách, nhiệm vụ bố trí dự toán trong các lĩnh vực chi ngân sách trung ương năm 2019 nhưng tại thời điểm xây dựng báo cáo phân bổ ngân sách trung ương chưa có đủ cơ sở pháp lý để giao chi tiết cho các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương.

Để việc điều hành ngân sách được chủ động, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị khoản kinh phí chưa phân bổ cụ thể nêu trên chỉ dành bố trí cho các chế độ, chính sách đã ban hành, không bố trí đối với các nhiệm vụ chưa có đầy đủ căn cứ theo quy định.

Về lĩnh vực chi quản lý nhà nước, đoàn thể,... theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến năm 2019 sẽ bố trí 47.616 tỷ đồng, tăng 1.500 tỷ đồng (3,3%) so với dự toán năm 2018.

"Qua đó cho thấy, việc bố trí dự toán chi lĩnh vực này trong những năm gần đây vẫn tiếp tục tăng cao. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương của Đảng và nghị quyết của Quốc hội nhằm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra", Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý.

Đặc biệt, liên quan đến chi sự nghiệp bảo vệ môi trường, Chính phủ trình phương án tăng chi nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai… ở ngân sách trung ương và địa phương tối thiểu so với dự toán năm 2018 khoảng 16.000 tỷ đồng.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, Chính phủ đã thực hiện theo về Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 27. Tuy nhiên, đề nghị dự toán cần căn cứ nhu cầu thực tế và khả năng hấp thụ vốn cho lĩnh vực này để bố trí vốn phù hợp, tránh chuyển nguồn, gây lãng phí nguồn lực ngân sách nhà nước.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top