Đối với loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp khi xuất nhập khẩu được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 26/2019/NĐ-CP (Nghị định 26) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thủy sản. Trong đó, có quy định một số nội dung đáng chú ý liên quan đến xuất nhập khẩu thủy sản.
Cụ thể, liên quan đến việc nhập khẩu giống thủy sản để nghiên cứu khoa học hoặc trưng bày, Nghị định mới yêu cầu các doanh nghiệp cần phải có giấy phép.
Theo đó, tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhập khẩu giống thủy sản chưa có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam để nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép.
Song song với đó, Nghị định 26 cũng quy định các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu giống thủy sản có tên trong Danh mục loài thủy sản cấm xuất khẩu thì phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Đáng chú ý, các tổ chức, cá nhân được phép nhập khẩu không phải xin giấy phép đối với loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.
Riêng các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp khi xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và quy định tại Nghị định 26.
Ngoài ra, Nghị định 26 cũng quy định cụ thể về nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
Theo đó, khi nhập khẩu các loại thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản thuộc Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam… thì tổ chức, cá nhân phải có giấy phép do Tổng cục Thuỷ sản cấp.
Bên cạnh đó, Nghị định 26 cũng đã ban hành 4 danh mục gồm Danh mục các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, trong đó quy định nhóm 1 có 126 loài; nhóm 2 có 60 loài. Danh mục loại thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam, trong đó quy định 295 loài cá, 31 loài giáp xác, 44 loài nhiễm thể; 7 loài bò sát, lưỡng cư; 16 loài da gai, giun đốt; 17 loài rong; 36 loài vi tảo; 18 loài động vật phù du; 7 loài san hô.
Danh mục các loài thủy sản cấm xuất khẩu, trong đó, quy định cụ thể 43 loài thủy sản cấm xuất khẩu. Danh mục các loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện, trong đó, quy định cụ thể 65 loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện.
Nghị định 26 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 25/4/2019. Nghị định 26 thay thế 14 Nghị định của Chính phủ và bãi bỏ 9 Chỉ thị, Thông tư, Quyết định khác.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2018 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,7 tỷ USD (tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2017), nhập khẩu thủy sản đạt 1,72 tỷ USD (tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2017). Riêng hai tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản đạt 1,11 tỷ USD và nhập khẩu thủy sản đạt 264 triệu USD.
Post a Comment